5h30 5/4. Trường Sa Lớn lờ mờ hiện ra trong lất phất mưa bay. Rõ dần, rõ dần. Bãi cát dài trắng mịn dập dờn những con sóng. Những chiếc quạt năng lượng gió chạy vù vù phát thứ tiếng như cả đàn trực thăng. Ba hồi còi hú dài báo hiệu tàu đã vào địa phận của đảo. 6h07, dây được quăng lên bờ neo tàu lại. Những tưởng chỉ cách cầu cảng vài sải tay mà tàu không thể cập cảng. Đầu vào lại bị sóng đánh dạt ra. 6h40, đuôi tàu cách cầu cảng 1 cánh tay với, một người nhảy xuống cầu cảng nhưng tàu vẫn dập dềnh chưa áp sát được. 6h45, tàu cập mạn cầu, ai cũng hối hả xuống. Tôi đứng bên mạn tàu, sờ tay lên cầu cảng để cảm nhận một chút gì đó của Trường Sa Lớn mà tôi chưa mường tượng ra.
… 7h30, tàu lại nhổ neo ra khơi, Đá Lát đang chờ đoàn chúng tôi… Sóng điện thoại giờ mới có, mọi người hối hả gọi về đất liền. Gọi về nhà, nghe mình kể về 3 chị em, ở nhà ai cũng kêu khổ thế sao? Điện thoại báo không biết bao nhiêu cuộc gọi nhỡ.
Sau khi “sản xuất” xong hai tin nóng về lễ mít tinh kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa và ca đẻ khó đầu tiên trên đảo, chúng tôi dành cả buổi chiều đi tặng quà cho các hộ dân trên đảo. Lũ trẻ đã nghỉ hè vì cô giáo Nhung về đất liền sinh con. Đứa nào cũng háo hức với những tập vở và bút sáp màu được tặng. Món quà chúng tôi tặng không có giá trị lớn, nhưng ấm nồng tình cảm đất liền, và được trân trọng trao tới từng hộ. Nhà nào cũng quyến luyến giữ đoàn ở lại dùng cơm. Những lon bia, nước ngọt – không phải là thứ sẵn trên đảo, mà phải chờ theo mỗi chuyến tàu, nhưng – hộ nào cũng mở ra, mời uống cho bằng hết. Và tại đây, chúng tôi may mắn được nếm những trái đu đủ to, dài màu vàng nghệ của hòn đảo thân yêu với vị ngọt đậm đà mà trên đất liền không dễ gì mua được.
21h, 5/4 chương trình văn nghệ kết thúc, tôi nháo nhào vác máy vừa đi vừa chạy, mấy tiếng đặt chân lên đảo, chưa kịp đi lấy một vòng, chưa đi lễ chùa, viếng mộ liệt sỹ, thắp hương tưởng niệm tại tượng đài Bác Hồ và các liệt sỹ, thấy mình có điều gì như lỗi lầm lắm., không còn thời gian nữa rồi, vội vàng chạy ào ra tấm bia chủ quyền, chụp vội tấm ảnh để được biết mình đã tới Trường Sa, chắp tay vái vọng xin một câu đại xá. 21h40 tàu nhổ neo, nghẹn ngào chẳng nói nên câu, nước mắt cứ chảy mãi, cũng may chiều nay đã thăm được nhiều hộ dân trên đảo, đã thăm cả sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy và công dân nhí mới được một ngày tuổi Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Giờ một mình bên mạn tàu, sao vẫn thấy bâng khuâng khó tả….
0h31, tàu neo cách đảo Trường Sa lớn không bao xa, từ đây vẫn nhìn thấy ánh sáng của đảo. Nhiều người lên boong câu cá. Tối nay một anh trong đoàn bảo tôi em là người may mắn vì được đi đảo Đá Lát, em hãy hạnh phúc vì điều đó, đó là một sự trải nghiệm. Tất cả các đoàn đi Trường Sa đều đến đảo Trường Sa lớn nhưng Đá Lát thì rất ít, họ lúc nào cũng ngóng trông những người từ đất liền ra thăm. Những câu nói của anh khiến tôi phải suy nghĩ thực sự. Có lẽ chút hơi men đã thôi thúc anh nói ra những điều anh vẫn giữ, vẫn rất bình thản khi tỉnh táo. Cũng có thể, vì anh sâu sắc hơn, anh thấu hiểu những người lính – trong đó có anh – và những ngư dân của Trường Sa hơn tôi, vì anh đã có chuyến đi Trường Sa thứ hai, chuyến đầu cách đây 1 năm.
Vâng, mặc dù Đá Lát không phải là điểm tôi muốn dừng chân đầu tiên nhưng vô tình trong số gần 20 con người tới đảo chìm đó có tên tôi. Anh Thực Cục Tuyên huấn bảo anh xếp em đi đảo đó, nhưng không hiểu anh có nhận ra tôi không vui không. Nhưng có lẽ đó cũng là cơ may, khi trên 170 ng chỉ biết đến Trường Sa lớn thì tôi được biết cả hai đảo. Đảo chìm Đá Lát thật nhỏ nhoi nơi sóng nước mênh mông. Nói chúng tôi may mắn cũng phải, vì chúng tôi là đoàn đầu tiên đặt chân lên đảo từ đầu năm đến nay, đã có 3 đoàn đặt lịch đến đảo mà không thể vào được, đành gửi lời nhắn qua sóng gió mênh mông. Chỉ vài giờ trên đảo thôi, cũng khiến người ta cảm nhận được thân phận mong manh của những người lính biển mà chỉ có ý chí sắt đá và tinh thần yêu nước, vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các anh mới có thể trụ vững. Có mấy ai hiểu được rằng, tấm áo trắng của các anh chiến sỹ hải quân trên đảo Đá Lát chỉ được mặc khi có đoàn đến thăm. Thiếu tá Tạ Quang Hải, chính trị viên hôm nay diện tấm áo trắng tinh và nguyên nếp gấp, chắc mấy tháng rồi mới được lấy ra mặc vì từ cuối năm 2010, chưa có tàu nào vào thăm đảo. Đoàn đi rồi, những tấm áo đó lại vội vã được trút ra, giặt bằng một chút nước ngọt thôi, vì nước ngọt trên đảo khan hiếm vô cùng, lại được cất chờ đến đoàn khác vào thăm đảo mới được lấy ra. Nói như một vị tướng lĩnh thì làm gì có nước ngọt để giặt, nên hàng ngày các anh chỉ mặc quần đùi áo may ô thôi. Không dám đề đạt nguyện vọng được cấp thêm quân trang, đảo trưởng … chỉ mong “cải tiến chất vải” để làm sao quần áo được bền hơn, vì hiện nay, quần áo chỉ mặc 2 tháng là mủn hết ra vì nước muối. Chúng tôi chia tay, ai nấy đều nghẹn ngào, cảm ơn các anh đã sẵn sàng dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió để chúng tôi yên tâm hưởng hạnh phúc, bình yên nơi đất liền.
1h43, hình như tàu lại ra khơi, sáng mai, trước mắt chúng tôi sẽ là hòn đảo mới, đảo Đá Tây và Trường Sa Đông. Tạm biệt Trường Sa Lớn thân yêu mà không biết ngày nào gặp lại…
Đảo Trường Sa Lớn của chúng ta nhìn từ xa đẹp lắm,Tôi nguyên là sĩ quan công binh và chưa có cơ hội được ra Trường Sa cũng chỉ ngắm trường sa qua ảnh,qua đây tôi biết được những điều mà anh Hoàng Kiền(nay là thiếu tướng trưởng ban 47) cũng như một số bạn sĩ quan cùng học với tôi đã góp công góp sức để bức tranh kia thật đẹp,mấy hôm nay nhân sự kiện ngày 14/03/1988 sự kiện Gạc Ma tôi vào internet tìm đọc những ký ức của một thời và đọc những dòng viết này,thật cảm động
Chúc bạn vui và viết tiếp về đề tài những người lính và chiến sĩ