Mộ phần tuổi trẻ – Huỳnh Trọng Khang

Chỉ với một nỗi thôi thúc: viết, Huỳnh Trọng Khang chàng trai trẻ tuổi đời vừa tròn 20, sinh ra trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những gì được kể lại, nhưng cậu đã viết tiểu thuyết đầu tay “Mộ phần tuổi trẻ” lấy bối cảnh của những năm 1968 tại miền Nam, Việt Nam, như thể chính cậu đã từng trải qua giai đoạn lịch sử đầy biến động ấy.

“Không phải là tiểu thuyết lịch sử hay giả sử, đơn giản nó chỉ là những hồi ức, giữa khắc ghi và quên lãng, chính nhân vật chính cũng nhiều lần trở đi trở lại câu hỏi, liệu năm tháng ấy có thật không, liệu ký ức ấy có phải chỉ đơn thuần là tưởng tượng?”

Huỳnh Trọng Khang đã viết như vậy trong phần lời bạt in ở cuối cuốn sách và tôi nghĩ cậu đã biết trước “Mộ phần tuổi trẻ” sẽ không tránh khỏi những sai sót và ý kiến đánh giá trái chiều. Điều đó không làm cậu nhụt trí. Và không một chút dụt dè, không một chút e ngại, Khang viết “Mộ phần tuổi trẻ” một cách đầy táo bạo như người lính trẻ xông pha chiến trường, cậu dấn thân vào trận địa văn chương với một vũ khí sắc bén, một góc nhìn hoàn toàn tỉnh táo, như một cây bút từng trải biết mình đang viết gì, phải viết gì.

Sử dụng lối kể chuyện đa tuyến tính khi xáo trộn quá khứ, quá khứ hoàn thành, quá khứ hoàn thành tiếp diễn, đan xen với những hồi ức trở đi, trở lại không theo trình tự thời gian, thời gian và không gian được Huỳnh Trọng Khang luân chuyển một cách nhịp nhàng qua từng trang sách. Bắt đầu là 1967 rồi trở về 1960, 1993 rồi lại trở về trước năm 1975 rồi có thể tiến đến năm 1984 và trở lại năm 1954 rồi lại tiến đến 1979, rồi câu trước là 1961 câu sau đã lại là 2007 rồi lại ngược trở về 1985… và kết thúc vào 1989. Bối cảnh cũng thay đổi liên tục từ Sài Gòn, Đà Lạt qua Pháp rồi lại về Việt Nam… Không chỉ vậy những cái tên, những nhân vật, những mẩu ký ức cũng được Khang lồng ghép, chắp nối với lối hành văn nhuần nhị tạo nên một mạch xuyên suốt cho tác phẩm. Khang viết như không cần đắn đo cân nhắc lựa chọn từ ngữ, mà câu chữ như theo mạch cảm xúc cứ chảy tràn trên trang giấy, như nó buộc phải viết ra với tràn đầy đam mê và nhiệt huyết. Chính điều này khiến tôi thấy yêu thích tác phẩm này, ngay cả những cái sai, cái dở, cái thiếu hụt và cái thừa thãi, và cả những cái chưa hoàn hảo của nó.

“Mộ phần tuổi trẻ” được đào bới bằng rất nhiều suy tư, trăn trở về tình yêu và tuổi trẻ, về chiến tranh và hòa bình, về chính trị và tôn giáo… và nó được đắp bởi quá nhiều sự kiện lịch sử, thừa mứa những trích dẫn, những cái tên, chính điều này khiến cho tác phẩm bị soi ra nhiều lỗi sai về dữ kiện lịch sử. Tuy nhiên, “Như tôi đã nói, tôi đã bắt đầu già, ký ức đang đánh lừa tôi.” – Huỳnh Trọng Khang rất tỉnh táo ở chỗ đó. Cậu đã có sự chuẩn bị hợp lý khi xây dựng hình tượng một cậu sinh viên ban triết thích trích dẫn, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng, những triết lý từ những nhân vật, những cuốn sách… nhiều đoạn được viết rất sách vở nhưng đó là tuổi trẻ. Hơn nữa Huỳnh Trọng Khang hiểu rất rõ rằng:

Đơn giản khi sự thật đi một đường quá dài thì nó không còn là sự thật nữa. Ở một khúc quanh nào đó, nó đã biến đổi, cũng tùy thuộc vào người phát ngôn. Các dữ kiện lẫn lộn giữa những đoạn hồi ức, giống như chiếc tủ hồ sơ bị xổ tung khắp nơi. Nhãn A được dán cho hồ sơ B và nhãn B lại được dán cho hồ sơ D, E nào đó… Điều tốt nhất là không bao giờ tin tuyệt đối vào những câu chuyện?… Chính xác, mọi người đều là nhà văn bẩm sinh. Chính họ cũng tin vào cái hư cấu của họ, gần như một chân lý. Không bao giờ có chân lý tối hậu nào cả, chỉ là người ta có tin hay không tin thôi.” (tr176-177)

Tôi tin Huỳnh Trọng Khang đã từng đọc nhiều tài liệu về lịch sử, nhiều tới mức cậu đã nhầm lần, nhiều tới mức cậu biến 227 trang sách đầu tay của mình ngập trong những sự kiện và những nhân vật của quá khứ. Bởi vậy, dù đã có nhiều bài viết chỉ ra những lỗi sai trong tác phẩm này, nhưng khi đọc chúng không phải là những hạt sạn trong mắt tôi. Và như Huỳnh Trọng Khang đã nhấn mạnh trong lời bạt rằng đây không phải là tiểu thuyết lịch sử hay giả sử, bởi vậy điều thiếu xót duy nhất của tác phẩm này là một câu cần có: “Dựa trên sự kiện có thật, một số tên nhân vật không thay đổi nhưng sự kiện là hư cấu.” Hoặc rằng để những lời bạt: “Không phải là tiểu thuyết lịch sử hay giả sử, đơn giản nó chỉ là những hồi ức, giữa khắc ghi và quên lãng, chính nhân vật chính cũng nhiều lần trở đi trở lại câu hỏi, liệu năm tháng ấy có thật không, liệu ký ức ấy có phải chỉ đơn thuần là tưởng tượng?” ở trang đầu cuốn sách để độc giả và nhiều nhà báo ngộ nhận rằng tiểu thuyết “hư cấu nhưng đừng khác lịch sử” (1). Đúng là lịch sử thì không thể hư cấu nhưng tiểu thuyết thì hoàn toàn có thể. Người ta có thể làm khác lịch sử khi cho Hitler không tự sát mà bị ám sát thành công hoặc còn sống sau cả hai cuộc thế chiến. Nhưng trong trang sách dù hư cấu thế nào, thì lịch sử vẫn không thể khác, cái khác là cách nhìn của con người về cuộc chiến ấy.

Lịch sử chỉ có một nhưng vấn đề là bạn nhìn nó ở phía chiến tuyến nào? Địch hay Ta? Người chiến thắng hay kẻ thua cuộc? Huỳnh Trọng Khang chọn cho nhân vật của mình là kẻ bên lề cuộc chiến “Dưới chế độ cộng hòa, gã là người ủng hộ nhiệt thành của cộng sản, còn dưới chế độ cộng sản, gã lại là người đấu tranh quyết liệt cho nền cộng hòa. Dường như, cả đời gã đã chọn vị trí của kẻ bên lề, nói lên tiếng nói của thiểu sổ, dù rằng tiếng nói ấy ít nhiều sai lạc.” (tr152). Huỳnh Trọng Khang phải rất can đảm và phải bản lĩnh thế nào mới có thể viết về “những thanh niên ở miền Nam năm ấy… như những thằng khốn… cũng phải… nhưng là những thằng khốn vĩ đại…” (tr226-227). Hoặc rằng tuổi trẻ cho Khang sức mạnh ấy, sức mạnh của niềm đam mê, của sự dám dấn thân, của sự không sợ chết, không sợ sai, không sợ thất bại. Dù thế nào thì Khang đã chiến thắng, chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng những định kiến trong lòng độc giả và quan trọng hơn cả là chiến thắng cả lịch sử đang bị các nhà văn bỏ quên.

Huỳnh Trọng Khang đã đặt ra cho bản thân những trăn trở, suy tư ấy. Và bằng sự liều lĩnh táo bạo với ngòi bút sắc sảo Huỳnh Trọng Khang đã khai quật một quá khứ lịch sử trong “Mộ phần tuổi trẻ”, đã làm sống lại “một dĩ vãng, cái thuở mà những đứa con hoang của thời đại chắp tay trước trái tim, tụng khúc kinh cầu cho sự ngây thơ đã mất.”. Ai rồi cũng sẽ phải tự tay chôn vùi tuổi trẻ của mình và rồi sẽ phải tự mình bốc mộ nó, để thấy những gì còn lại chỉ là thân xác hao gầy bị bào mòn bởi thời gian còn linh hồn đã lạc mất và để một lần nữa đào sâu, chôn chặt những ám ảnh, đau thương, để mộ phần tuổi trẻ được yên nghỉ. Nhưng sau cùng tác phẩm này là “Mộ phần tuổi trẻ” chứ không chỉ là chuyện về con trai trung tướng cộng hòa, và “Mộ phần tuổi trẻ” là suy tư của một người đã từng trẻ sống trong giai đoạn lịch sử ấy. Tôi tin dù chỉ là trong tưởng tượng thì Huỳnh Trọng Khang đã sống trong giai đoạn ấy, đã trải qua những đau khổ ấy, mới có thể viết ra những đoạn văn đầy ưu tư, trăn trở thế này:

“Người ta vẫn mơ màng nói về cuộc chiến. Giờ thì họ chỉ mơ màng thôi, lâu quá rồi, cả ngàn năm có hơn. Hòa bình chỉ còn là ảo ảnh bóng nước, sự hiện hữu của chiến tranh cũng chỉ là một màn sương. Người ta mất ý thức vè nó. Họ chung sống với nó quá lâu, họ hô hấp nó, những không thể bài bài tiết. Cuối cùng, nó vón lại thành một khối khí, nẽn chặt cuộc đời họ. Cái đã diễn ra quá lâu thường trở nên mơ hồ. Sự thật cũng chỉ là một mảnh trừu tượng của thời gian… Quá nhiều sự thật nhiều khi cũng thành dối trá….” (tr176-177)

Chẳng e ngại, Khang nhìn lại cuộc chiến ấy với một giọng điệu đầy mỉa mai: “Tôi nói có gì sai đâu chứ, nhà tôi là cửa hàng ăn đấy thôi, chẳng phải mẹ tôi không đâu, ba tôi cũng là một đầu bếp đại tài, ông xào nấu cuộc chiến này, ông thêm vào chảo những xác người, cho chút vị đảo chính, nêm thêm chút hận thù, rồi thấy như còn nhạt, ông lại bỏ vào chút lòng ái quốc, ông trộn tất cả những thứ ấy lên để thành mâm mỗ chiến tranh nghi ngút khói, thỏa cơn thèm khát của những chính trị gia, những ông tướng hiếu chiến, những gã CIA cơ hội.” (tr162)

Mặc dù rất nhiều đoạn ở phần giữa của tác phẩm được viết rất sách vở nhưng đó là tuổi trẻ. Có thể nhiều độc giả không yêu thích điều này nhưng tôi tin dù không thích thì họ cũng sẽ phải bất ngờ thậm chí là thán phục trước những đoạn viết đầy suy tư, chiêm nghiệm như của một người đàn ông trưởng thành. Tôi thật sự bị xúc động khi đọc những đoạn về chiến tranh vừa từng trải và cũng vô cùng gai góc.

“Anh chỉ biết rằng, một trăm năm nữa, thì cuộc chiến này cũng không thể kết thúc. Thứ chúng ta cần không phải là sống sót đến ngày thống nhất – điều đó là không thể, mà là quên đi cuộc chiến này đang diễn ra, hãy coi nó là một thói quen ấy, như đánh răng.” 

Huỳnh Trọng Khang nói đúng, cuộc chiến này không thể kết thúc bởi dư âm và vết thương mà nó để lại vẫn còn và không thể và không được phép kết thúc, bởi kết thúc là quên lãng, và nếu bị quên lãng là chúng ta đã thua. Vì vậy nó cần được nhắc lại, viết lại bởi cả những người chưa từng trải qua giai đoạn lịch sử ấy nhưng không có nghĩa là họ không thể sống qua tháng ngày ấy. Và bởi vậy tôi trân trọng cái nghĩa khí tôi thấy qua ngòi bút của Huỳnh Trọng Khang. Khang trăn trở bước vào nghiệp văn chương ” Thi sĩ sẽ làm gì trước xã hội? Trách nhiệm của người nghệ sĩ khi đứng trước lịch sử.” (tr85)Khang viết một cách hoàn toàn tỉnh táo bằng cả cái hay – cái dở của mình, với đầy sự say mê của tuổi trẻ chính điều đó khiến tôi rất yêu thích tác phẩm này. Và tôi tin rằng một trăm năm nữa, vẫn sẽ có độc giả đọc “Mộ phần tuổi trẻ” thậm chí có thể còn lâu hơn thế nữa. Có lẽ còn quá sớm để khẳng định điều này, bởi tác phẩm này mới chỉ xuất bản cách đây 2 năm mà lại còn vấp phải những sai sót, nhưng cho dù có không ít lời chê dành cho nó, thì tôi vẫn yêu thích cuốn sách này bởi tôi thấy vui khi một tác giả trẻ mới 20 tuổi mà lại có thể viết một tác phẩm về chiến tranh một cách liều lĩnh đến như vậy, điều mà sau “Nỗi buồn chiến tranh” tôi chưa đọc được một cuốn sách nào về chiến tranh Việt Nam của tác giả Việt Nam mãnh liệt đến như vậy. Mà hơn nữa Huỳnh Trọng Khang lại chưa từng trải qua thời đại ấy. Tôi tin và hy vọng rằng “Mộ phần tuổi trẻ” sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng và độc giả thế giới sẽ có thể hiểu một phần nào đó quá khứ chiến tranh trong con mắt của một tác giả, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam của thời đại mới.

Quá khứ chiến tranh trong con mắt của thế hệ trẻ Việt Nam của thời đại mới, nghe thì có vẻ “tuyên truyền” nhưng khi đọc “Mộ phần tuổi trẻ” tôi đã thấy được chân dung nhà văn trẻ Việt Nam không bị lẫn với văn học thế giới. Họ viết rất sến. Họ viết rất ảo. Họ đọc rất nhiều và họ bị ảnh hưởng bởi quá nhiều cái bóng lớn. Họ trích dẫn những tác phẩm nổi tiếng, họ nhắc đến những tên tuổi lớn như để cố gắng làm tăng thêm sức nặng cho tác phẩm của mình. Chính những điều ấy làm cho những tác phẩm văn học hiện đại của Việt Nam trong mắt tôi thường thiếu cá tính hoặc cá tính theo kiểu chẳng ai đọc nổi. Huỳnh Trọng Khang mắc toàn bộ những cái lỗi trên thậm chí còn lỗi nặng hơn tất cả những tác phẩm khác khi tác phẩm chỉ 200 trang mà thừa mứa những trích dẫn những cái tên, ngay cả đến thủ pháp nghệ thuật cũng chẳng có gì mới mà độc giả “lão luyện” có thể dễ dàng “đọc vị”. Vậy nhưng Huỳnh Trọng Khang đã không tự đào huyệt cho mình khi sử dụng quá nhiều trích dẫn và nhắc đến quá nhiều cái tên của những nhân vật đã chết ấy, mà nó lại càng đắp thêm cho “Mộ phần tuổi trẻ” một hình hài cụ thể, dù nó vẫn còn nhiều chỗ chắp vá, chưa lành lặn nhưng nó đã tạo một dấu ấn cho Huỳnh Trọng Khang mà tôi mạnh bạo đánh giá rằng đây là tác phẩm bước ngoặt cho văn học Việt Nam.

Hanhfm

(1) ‘Mộ phần tuổi trẻ’ – hư cấu nhưng đừng khác lịch sử: https://news.zing.vn/mo-phan-tuoi-tre-hu-cau-nhung-dung-khac-lich-su-post777853.html

 

 

Comments

comments

Rate this post

Related Posts

Mẹ ơi sao mình lại ăn thịt các con vật?

– Mẹ ơi sao mình lại ăn thịt các con vật? – Vì chúng ta ăn là để lớn lên. – Mình không ăn thì sao? – Mình không ăn thì sẽ không lớn được. – Mình không ăn các con vật thì con vật có ăn mình không? -…. Có con vật nó ăn…

Maximilian Hecker

Chẳng hiểu sao mình lại ghét mùa xuân đến thế… Ghét cái khung trời u ám… mưa lâm thâm… đường trơn, ướt… sàn nhà, quần áo, đồ đạc… tất cả cũng ẩm thấp, ủ rột… Còn không khí mang đến một cảm giác khó chịu, chẳng hiểu mình đang nóng, hay đang lạnh. Và mùa…

Mặt Trời Mù – Curzio Malaparte

Cái làm hư hỏng con người, cái làm cho con người trở nên dữ tợn, hèn nhát, ích kỷ, chính là ý thức về cái chết. Loài vật chúng nó chỉ có cái bản năng sinh tồn, có thể là một linh cảm xa xôi nào đó. Nhưng loài vật không ý thức cái chết.…

Mật hẹn – Trích Điều gì xảy ra, ai biết – Kim Young Ha

Thuốc lá nàng hút bao giờ cũng là hiệu Gauloise . Gió sông cuộn lấy làn khói thuốc nhả ra từ phổi nàng, bay lên hư không và lan toả ra. Giống như là chờ đọi. Làn khói bay ngang qua chỗ tôi, bay cao hơn, đến nơi hơi nước ngưng tụ đợi lúc rơi…

Marriage Story – Một cuộc hôn nhân đẹp

Marriage Story là một bộ phim về một cuộc hôn nhân đẹp như mơ giữa một nam đạo diễn và một nữ diễn viên. Kết quả cho tình yêu của họ là một cậu con trai kháu khỉnh. Họ đã có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc cho đến khi… xem phim bạn sẽ…

Marley và tôi

Tôi thấy lúng túng bởi nỗi tiếc thương sâu sắc đến nhường nào dành cho con chó này, sâu sắc hơn đối với vài người mà tôi từng biết. Không phải tôi coi cuộc đời một con chó ngang với cuộc đời của một con người, nhưng ngoài gia đình tôi ra, có rất ít…