You are here
Home > Âm nhạc

Khúc hát nàng Solveig (Chanson de Solveig )

Khi giai điệu và lời ca du dương của Chanson de Solveig cất lên, một trong những bản nhạc cổ điển được ưa thích nhất trên toàn thế giới. Bất chợt khiến tôi buồn, có lẽ một phần nỗi buồn ấy nằm trong nội dung của bản nhạc và cũng một phần hiện nét trong ký ức còn đôi chút phân vân. Bốn mùa thay tên cũng chừng ấy sự chờ đợi của màu mắt nguyên vẹn nỗi nhớ nhung da diết. Khi biết đôi chân còn nhuốm bước phong trần thì sự giật mình thức tỉnh lòng người lữ thứ chợt khắc khoải dâng đầy. Ở đâu đó khúc hát của tình yêu như tiếng gọi thiết tha mong những cánh chim còn mải mê quay về nơi yên bình tổ ấm và được bao dung trước những lỗi lầm

Tôi nhớ không rõ từ lúc nào đã được nghe bản nhạc này . Hình như đó là khi mẹ tôi ngồi hát vào những buổi chiều bên mâm cơm mong chờ chồng trong những tháng ngày xa cách. Khi ba tôi biền biệt với những công trình xây dựng ít được về thăm nhà. Và lúc ánh sáng cuối ngày khuất lấp phía chân trời, vì sao Hôm lấp lánh giữa màn đêm, đã không biết bao lần mẹ tôi kể về câu chuyện tình hơn một trăm năm trước, tại một xứ sở xa xôi miền Bắc Âu…
La Chanson de Solveig – Edward Hagerup Grieg ( download)
Khúc hát nàng Solveig – NSND Lê Dung ( download)

“Khi Chàng trai Peer Gynt phản bội mọi người, kể cả mẹ và người yêu – nàng Solveig. Peer gặp Solveig ba lần, chàng phải lòng cô gái ngay trong lần đầu và phải thốt lên: “Quỷ ma trong ký ức, quỷ ma trong đàn bà, trừ một người”. Tuy nhiên, chàng vẫn rời bỏ thực tại và tình yêu để đi tìm thứ huyễn mộng. Lần thứ hai, Peer trở về, nghe nàng hát khúc chờ mong – mang tên “Khúc hát nàng Solveig” – nhưng rồi chàng vẫn lại bỏ đi, lần này không phải vì mộng phiêu lưu mà vì sợ trách nhiệm, sợ đối diện với chính bản thân mình. Lần thứ ba, sau khi hoàn toàn kiệt quệ, Peer trở về quỳ dưới chân người yêu xin tha thứ và được Solveig thứ tha, được yêu, được nghe bài ca thứ hai do nàng ca, cũng vẫn mang tên “Khúc hát nàng Solveig”.

Hình như câu chuyện ấy, tình yêu người con gái ấy hình chung như tiếng nói của biết bao trái tim người phụ nữ trong nỗi lòng chờ đợi người yêu mình ra đi chưa trở về. Giai điệu sâu lắng, chậm rãi chợt bâng khuâng khi ai đó đã quên đi kỷ niệm ngọt ngào và vô tình trước tiềm thức gọi tên. Có thể sẽ chẳng mấy ai đón nhận được một kết thúc có hậu như câu chuyện tình kia. Nhưng tình yêu vẫn ẩn chứa những phép nhiệm màu và biết vị tha cho những tâm hồn lạc lối.

Hẳn khi tiếng gọi tình yêu cất lên , không gian và thời gian như cũng muốn im lặng cúi đầu để lắng nghe điều sâu thẳm thiêng liêng ấy

Mùa đông dù trôi qua
Như bóng dáng xuân tươi phai dần
Và lá trút không vương trên cành
Dù cho bao năm tháng ấy
Mang ánh nắng đông qua xuân về
Mang nỗi nhớ anh đi chưa về

Ngàn trùng dù có cách xa
Anh sẽ về … anh sẽ về
Lòng em luôn luôn hằng nhớ

Một mùa đông giá buốt đang hiện hữu, thời gian cứ theo nhau đi qua nhưng chẳng khác được khi sự chia xa vẫn còn bám víu. Mùa xuân dẫu có thay thế cũng chỉ là những hơi thở lạnh lẽo của mùa đông . Chừng nào nỗi buồn còn ám ảnh vào tâm hồn và giăng mờ trên môi mắt hẳn nhiên mùa xuân dường như là chiếc bóng. Người con gái vẫn chờ mong hy vọng, vẫn nuôi nấng trong tim mình một tình yêu dẫu biết mỏng manh. Mỏng manh như chiếc lá ngoài song thưa đang trút bỏ lìa cành.

Chanson de Solveig được nhạc sĩ Na Uy Edwar Gried viết nên khi ông tập trung viết trong vở đại nhạc kịch “ Peer Gynt “ của thi hào Na Uy – Henrick Ibsen mà ông viết nhạc đệm. Grieg đã bỏ ra 2 năm trong đời (1874-1876) để gọt giũa từng âm điệu sao cho xứng đáng với tác phẩm kịch thơ xuất chúng nhất của Henrik Ibsen, được coi là kịch tác gia vĩ đại nhất của thế kỷ XIX, đồng thời, cũng là một trong vài tên tuổi nổi bật nhất của 2.500 năm lịch sử kịch nghệ thế giới. Âm nhạc của Gried là hình ảnh của cuộc sống là tâm hồn con người đến từ sâu thẳm của đồng quê Na Uy , đến từ những làn điệu nhanh và vang vọng. Thưởng thức nhạc của Grieg trong thính phòng, có thể cảm thấy những tia nắng, những hơi thở của biển xanh, những ánh hào quang lấp lánh trên những mỏm băng, những dẫy núi đuổi nhau từ sâu miền Bergen nơi ông sinh ra và yêu thương cất lên lời ca.

Edwar Gried qua đời cách đây hơn 100 năm và được đánh giá là nhà soạn nhạc Na Uy có ảnh hưởng nhất gần cuối thế kỷ XIX, thời kỳ sự phát triển huy hoàng vào bậc nhất thể loại nhạc giao hưởng hoàng gia. Grieg đã trở thành bậc thày âm nhạc Na Uy và thế giới. Ông được coi là người đã hòa quyện tài tình những truyền thống của nhạc dân tộc Na Uy với trường phái lãng mạn châu Âu đương thời.

Hình như tình yêu muôn đời đều thế, là nỗi buồn dù chẳng muốn song vẫn mãi cưu mang. Nhưng trong mênh mang tuyệt vọng niềm khắc khoải, giữa muôn trùng giá lạnh vẫn ấm áp bền bỉ ngọn lửa hy vọng mà người con gái vẫn tháng ngày nhen nhóm nâng niu. Mặc cho mùa đông mang ánh nắng xuân hồng đi xa, mặc cho những hờ hững chưa mang tình yêu nào về lại, mặc cho những đổi thay đến và đi vô thường, mặc cho không gian có chập trùng cách trở. Song người con gái ấy vẫn miệt mài mong đợi , vẫn khát khao niềm tin một ngày tình yêu trở về, người con trai ấy trở về, hạnh phúc sẽ trở về…

Tình này em dâng hiến anh
Em vẫn chờ dù đến bao giờ
Tình em không phai … không phai

Khi trái tim đã trao cho một người. Ấy là khi tình yêu đã đóng đinh lên cây thập giá vĩnh hằng. Sẽ bất tử cho dẫu những đổi thay. Tình yêu ấy sẽ ngàn đời trọn vẹn, sẽ không phai mờ trước hắt hiu già nua quên lãng.

Cầu mong ở nơi ấy anh vẫn sống yên vui thanh bình
Như những giấc mơ em bên mình
Ở nơi xa xăm ấy ôm chiếc bóng cô đơn lạnh lùng
Bao thương nhớ vây quanh bên mình
Trọn đời em thương nhớ anh
Em vẫn chờ … em vẫn chờ
Chờ anh em đợi chờ anh
Tình này em dâng hiến anh
Không bao giờ nhạt phai trong lòng
Thuỷ chung không phai … không phai

Sự chờ đợi trong bao vây nỗi nhớ chợt hoá thân bao dung. Trước những mòn mỏi khổ đau người con gái vẫn “ cầu mong ở nơi ấy anh vẫn sống yên vui thanh bình “. Sự ích kỷ thường thấy trong tình yêu đã phải khuất xa để chỉ có nguyên khôi cao thượng. Chỉ có tình yêu mãnh liệt vô bờ bến cùng với trái tim vị tha khôn cùng mới hiện sinh một tình yêu lung linh đẹp đến vậy. Dẫu ngày tháng người con gái vẫn “ôm chiếc bóng cô đơn lạnh lùng “và“ bao thương nhớ vây quanh bên mình “ thì trọn đời tình yêu ấy vẫn không hề thay đổi. Thời gian không phai mờ lòng thuỷ chung nơi tình yêu ấy.

Nghe Chanson de Solveig khiến ai đó đã lỡ lầm lạc bước quên đi chốn tình yêu mà mình đã hờ hừng đi qua ,biết day dứt khi trái tim đã từng rung nhịp. Để biết trở về bên tổ ấm bình yên. Để biết xuân về trên lá biếc chồi xanh.

Vũ Anh Vũ

Comments

comments

Leave a Reply

Top