Fargo (1996) – Liệu một bộ phim có nguyên vẹn như nó đã từng xảy ra?

Fargo (1996) một trong những bộ phim trượt giải Oscar gây tiếc nuối nhất, bạn đã xem chưa?

Được xây dựng bởi cặp đạo diễn, biên kịch tài danh “Anh em nhà Coen”.

imdb: 8.1 (495,426 votes)

Đạo diễn xuất sắc tại Cannes 1996

Nữ diễn viên chính, Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 1997.

Một vài số liệu liệt kê trên chỉ để cảnh giác với một số khán giả, bởi có thể bạn sẽ thấy phim chẳng có gì hấp dẫn và khó cảm, hai là bạn sẽ thấy đây là một bộ phim hay tuyệt vời. Dù đã xem hoặc chưa xem, dù bạn thích hay không thích, thì Fargo vẫn cứ nằm trong danh sách các tác phẩm tâm lý hình sự vĩ đại nhất. Vậy thì, cứ hãy thử xem bộ phim này để biết lý do vì sao?

Fargo mở đầu bằng dòng giới thiệu: “ĐÂY LÀ MỘT CÂU CHUYỆN CÓ THẬT. Những sự kiện trong phim xảy ra ở Minnesota vào năm 1987. Theo yêu cầu của những người còn sống, danh tính thật đã được thay đổi. Bên cạnh sự tôn trọng với người đã khuất, tất cả đều nguyên vẹn như đã từng xảy ra. FARGO. “

Đọc những lời giới thiệu này bạn nghĩ đây sẽ là bộ phim như thế nào? Hãy tưởng tượng về câu chuyện mà bạn đang hình dung về những gì sắp diễn ra trong tiếng nhạc dìu dặt. Và chắc chắn bạn sẽ bị thu hút khi những hình ảnh đầu tiên của bộ phim xuất hiện, một khung cảnh trắng xóa của tuyết, thấp thoáng một cánh chim chập chờn bay, xa xa là ánh đèn ô tô mờ mờ ảo ảo đang tiến về phía khán giả… Mọi thứ đầy thơ mộng, lãng mạn và cuốn hút một cách đầy bí ẩn. Và có thể lúc này bạn đã có suy đoán nào đó cho riêng mình, dù là gì thì tất cả đều đang chờ bạn ở phía trước trong 98 phút của bộ phim, hãy cứ theo chiếc xe ô tô đưa bạn đến Fargo.

Fargo là một thành phố hoàn toàn có thật tại Mỹ, và trong tiếng Anh phát âm “far go”, tạm dịch “đi quá xa” như là một sự “chơi chữ” của biên kịch Coen. Và câu chuyện phim thật sự đi quá xa khi chỉ một âm mưu tưởng như đơn giản bỗng trở nên phức tạp, khi mọi chuyện trở nên phức tạp thì nó lại diễn ra hết sức đơn giản. Và người xem chợt tự hỏi: Liệu phim ảnh có làm cho những điều bình thường trở nên bất thường và ngược lại điều bất thường đôi khi lại bình thương trên phim. Điện Ảnh nghịch lý nhưng lại thú vị ở chỗ đó! Hãy xem đạo diễn nhà Coen đã kể lại câu chuyện của mình “bình thường” đến nỗi khán giả nghĩ rằng nó “bất bình thường” như thế nào trong Fargo.

Cố tình làm ngược lại motif quen thuộc trong những bộ phim điều tra tội phạm mà khán giả vẫn thường xem, sử dụng gần như “tạp nham” các yếu tố: từ tâm lý xã hội đến hình sự gay cấn, từ kịch tính giật gân đến lãng mạn, hài hước,… Không cầu kỳ trong sử dụng thủ pháp nghệ thuật điện ảnh, không trau chuốt cài cắm triết lý trong lời thoại, không đầu tư khai thác những góc máy sáng tạo để lột tả nội tâm nhân vật… Những tưởng Fargo là bối cảnh của bộ phim, nhưng nó lại chỉ xuất hiện ít phút ở phần mở đầu. Những tưởng đây sẽ là một bộ phim gay cấn với những pha hành động kịch tính đến ngộp thở, không kém gì những bộ phim hình sự như khán giả vẫn thường xem, nhưng diễn biến trong Fargo lại bình thường một cách ngạc nhiên.

Đầu tiên là hình ảnh lực lượng cảnh sát trong Fargo điều tra án mạng mà như không, truy bắt tội phạm thì như chơi. Đặc biệt là nhân vật chính, nữ đội trưởng cảnh sát vác bụng bầu 7 tháng đi phá án, sau khi xem hiện trường án mạng, cô và đồng nghiệp vẫn thản nhiên uống cà phê sáng, đi lấy tin điều tra mà cứ như cuộc nói chuyện xã giao bình thường, đến lúc gặp sát thủ cũng chẳng phải vật lộn chiến đấu… Có lẽ sẽ là quá bình thường nếu kịch bản xây dựng hình ảnh viên cảnh sát “chuẩn mực” như khán giả vẫn thường xem. Có lẽ sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu những cảnh tội ác trong phim diễn ra trong hoảng loạn với ánh mắt sợ hãi cùng tiếng thét kinh hoàng của nạn nhân. Thật ra, tất cả những chi tiết như thế chỉ có trên phim, do biên kịch, đạo diễn, diễn viên dàn dựng, hư cấu lên mà thôi. Nhưng ở Fargo thì ngược lại, mọi thứ diễn ra như chẳng phải là phim, diễn biến hành động xảy ra rất nhanh gọn, cách họ giết người cứ nhẹ như không một chút mảy may, do dự, hay sám hối, thậm chí nhiều tình huống đôi khi thật nực cười… Và chúng ta nhận ra: cuộc đời thực không gay cấn như trên phim, nó lạnh lùng như tuyết phủ ở FARGO.

Có khán giả nào sau khi xem thắc mắc tự hỏi tại sao nhân vật chính trong Fargo lại là một nữ cảnh sát trưởng đang mang thai nhưng vẫn tham gia phá án? Cô sắp làm mẹ, ở thời kỳ cần sự nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc cổ điển, đọc truyện cổ tích và nghĩ về những điều tốt đẹp với một mong muốn một cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với đứa con sắp chào đời. Vậy nhưng cô vẫn phải đối mặt với cái ác, như một điều bình thường xảy ra trong cuộc sống. Có là cường điệu quá không nếu đây chính là hình ảnh của công lý, luật pháp được thể hiện đầy mỉa mai trong nhân vật người phụ nữ thô kệch nhưng thông minh, vụng về nhưng bình tĩnh và vô cùng mẫn cán trong công việc? Hay sự lạnh lùng nhưng cũng mạnh mẽ của nhân vật nữ cảnh sát trưởng như là một thái độ thờ ơ trước cái ác. Đó là chi tiết rất bình thường nhưng lại đem đến cho khán giả ấn tượng bất ngờ, là sau khi bắn hạ tội phạm và trên đường áp giải phạm nhân, nữ cảnh sát thản nhiên với một thái độ thờ ơ, khinh thường hành động kinh tởm của hắn: “Để làm gì hả? Cho một dúm tiền sao. Còn nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống này hơn thế. Anh không hiểu sao? Anh xem này… một ngày trời thật đẹp. Tôi thật không hiểu nổi.” Cái ác và những điều xấu xa không thể phá hủy cuộc sống gia đình hạnh phúc của cô với người chồng luôn yêu thương, chăm sóc, cùng đứa con sắp ra đời. Và đừng quá bận tâm tới cái ác xuất hiện đều đặn trên bản tin trên truyền hình, đừng quá lo lắng tới những gì đã xảy ra, hãy bình thường và tận hưởng một ngày tốt đẹp bên người bạn yêu thương. Tội ác ư, không thể làm chúng ta run sợ, cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn.

Bao trùm lên khung cảnh của Fargo là nền tuyết trắng. Những tưởng rằng trong cái màu trắng lạnh lùng ấy có thể che giấu những âm mưu đen tối, những hành động xấu xa, nhưng tuyết sẽ tan và sự thật sẽ bị phơi bày. Ở Fargo con người lạnh giá như tuyết phủ mùa đông. Hai kẻ phạm tội thản nhiên giết người nhanh gọn lẹ không một chút hoảng sợ, do dự hay mặc cảm tội lỗi, hay vì một mục đích gì kinh khủng. Tất cả vì tiền, vì những người bị giết hại là vật cản trên đường của chúng. Chỉ có vậy, chẳng vì trả thù, chẳng vì một món tiền gì quá lớn. Hai viên cảnh sát đến hiện trường vụ án, mà vẫn thoải mái trò chuyện, vừa xem tử thi vừa uống cà phê,… Thái độ thản nhiên “tưng tửng” trước cái ác dường như là cảm xúc của con người hiện đại, khi đồng tiền và lợi ích cá nhân được con người ta coi trọng hơn là tính mạng con người, thậm chí là cả người thân của họ. Người ta cứ thản nhiên bắn giết không một chút đắn đo, người ta cũng thản nhiên đưa người thân vào mưu đồ chỉ vì tiền và mọi chuyện cứ thản nhiên diễn ra ngoài đời thực, không chỉ ở thị trấn Fargo, ở Mỹ, mà có có thể xảy ra ở bất kỳ đâu.

Nghĩ lại gần đây có rất nhiều vụ án mạng, đặc biệt như vụ thảm sát ở Bình Dương, hay Vĩnh Phúc… khi mà cộng đồng mạng mong chờ một âm mưu ghê gớm nào đó mới dẫn đến hành động giết người kinh khủng như vậy, nhưng sự thật thì động cơ gây án có thể nói là rất “nhạt nhẽo”, ngay cả thủ phạm cũng rất lạnh lùng cứ như anh ta đang chơi một game online. Bởi vậy khán giả lại càng cảm thấy rằng Fargo không phải là một bộ phim nữa, mà đây thật sự là câu chuyện có thật, bởi ngoài đời thực con người ta còn độc ác, tham lam, giả dối và lạnh lùng hơn cả những cuốn phim khán giả đã xem. Thái độ thản nhiên “tưng tửng” trước cái ác còn bởi vì các ác vẫn hiển hiện trong đời sống. Nên là điều dễ hiểu khi các nhân viên cảnh sát điều tra hiện trường mà vẫn uống cà phê, trò chuyện bình thường như chẳng có gì quá ghê gớm xảy ra.

Dù có nhiều chi tiết hình sự, nhưng Fargo cũng mang nội dung tâm lý xã hội. Đó là hoàn cảnh đối lập giữa hai người chồng trong phim: một kẻ hám lợi, sẵn sàng biến vợ thành “con mồi” để kiếm tiền, và ngược lại là nhân vật người chồng nữ cảnh sát trưởng hết mực yêu thương vợ. Bằng những hành động rất đơn giản: khi vợ phải đi làm sớm, anh chuẩn bị bữa sáng, đến giờ trưa thì mang đồ đến tận văn phòng và ăn cùng cô, không màu mè trong cách thể hiện một anh chồng phải làm những điều gì to tát lắm, mà đó chỉ là những hành động rất nhỏ bé, nhưng lại toát lên một tình yêu giản dị và chân thành. Rồi ở đoạn kết, sau khi nhân vật người vợ nữ cảnh sát trưởng lập chiến công bắt được kẻ giết người, không như motif của hầu hết những bộ phim mà chúng ta vẫn từng xem sẽ là những màn bình luận tung hô của phóng viên, truyền hình, trong Fargo thì “bất thường” một cách bình thường, viên nữ cảnh sát vẫn thản nhiên leo lên giường nằm xem TV cùng chồng, khán giả tưởng rằng cả 2 sẽ bàn luận gì đó về vụ án, nhưng họ lại trò chuyện về những điều rất đời thường về thú vui chơi tem của anh chồng. Và rồi viên nữ cảnh sát nói: “Em rất tự hào về anh“. Dù ngoài xã hội, người vợ có làm những điều gì to tát, thì khi trở về nhà cô vẫn là một người phụ nữ giản dị, bé nhỏ trong vòng tay chăm sóc của người chồng.

Fargo kết thúc bằng câu nói: “2 tháng nữa thôi… Ừ, 2 tháng nữa…”. Đó là thời gian đứa con trong bụng của nữ cảnh sát trưởng sẽ ra đời. Và khi đó tuyết sẽ tan, chiếc vali đựng tiền được chôn trong tuyết sẽ lộ ra, nhưng bộ phim không cho khán giả biết số phận của chiếc vali tiền đó sẽ thế nào?

Chắc hẳn nhiều khán giả không chú ý đến chiếc vali đầy tiền đó. Và nhân vật duy nhất trong Fargo biết vị trí chiếc vali tiền này thì đã bị giết trong phim, nhưng vẫn có một người biết vị trí của nó ở đâu, đó chính là khán giả. Và sự thật thì có bộ phim “Kumiko, the Treasure Hunter” cũng dựa trên một câu chuyện có thật về một người phụ nữ Nhật Bản đã từ bỏ tất cả cuộc sống cũng như công việc của mình để tìm kiếm chiếc vali đựng đầy tiền do nhân vật Carl Showalter cất giấu trong bộ phim Fargo (1996).

Phim ảnh có thể khiến khán giả bị ám ảnh như vậy đó! Có lẽ thành công của Fargo là ở đây, anh em đạo diễn Coen đã biến phim không còn là phim nữa, mà nó là “MỘT CÂU CHUYỆN CÓ THẬT”, tất cả đều nguyên vẹn như đã từng xảy ra trong cuộc cống và cuộc sống được lưu lại nguyên vẹn trên phim. Đâu là thật… đâu là hư cấu… hay những điều hư cấu lại là thật. Anh em đạo diễn nhà Coen đã tạo ấn tượng cho Fargo bằng phong cách làm phim “như thường” nhưng “bất thường”, mà đình cao có lẽ là tác phẩm từng đoạt giải Oscar “No Country For Oldman”. Và dù được Oscar ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc, nhưng đạo diễn của Fargo khẳng định bộ phim dựa trên một sự kiện có thật nhưng thực tế là chẳng có sự kiện nào bi hài như thế xảy ra cả. Biên kịch Ethen Coen thì đã từng trả lời về những thắc mắc trong Fargo rằng: “You don’t have to have a true story to make a true story movie.” Không ai có thể chắc chắn bởi cuộc sống như là một bộ phim có thật luôn có thể xảy ra bất cứ tình huống nào khiến con người ta không thể lường trước. Và Fargo đã thực sự mang đến cho khán giả một câu chuyện có thật, với những cảm xúc thật. Fargo – “như thường” nhưng “bất thường” là thế đó!

       Một thị trấn nhỏ – Một tội ác lớn – ĐÂY LÀ MỘT CÂU CHUYỆN CÓ THẬT, nhưng Fargo lại là một bộ phim hư cấu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó không có thật. Fargo đã phản ánh một cách rất chân thực cuộc sống: Cuộc sống chẳng đến nỗi kịch tính như trên phim, nhưng thế giới thực đáng sợ hơn trên màn ảnh nhiều, bởi mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả những điều kinh khủng nhất. Bởi vậy, sau khi xem phim khán giả hãy trả lời cho câu hỏi: Liệu một bộ phim có nguyên vẹn như nó đã từng xảy ra?  

#Hanhfm

 

Comments

comments

Rate this post

Related Posts

Mẹ ơi sao mình lại ăn thịt các con vật?

– Mẹ ơi sao mình lại ăn thịt các con vật? – Vì chúng ta ăn là để lớn lên. – Mình không ăn thì sao? – Mình không ăn thì sẽ không lớn được. – Mình không ăn các con vật thì con vật có ăn mình không? -…. Có con vật nó ăn…

Maximilian Hecker

Chẳng hiểu sao mình lại ghét mùa xuân đến thế… Ghét cái khung trời u ám… mưa lâm thâm… đường trơn, ướt… sàn nhà, quần áo, đồ đạc… tất cả cũng ẩm thấp, ủ rột… Còn không khí mang đến một cảm giác khó chịu, chẳng hiểu mình đang nóng, hay đang lạnh. Và mùa…

Mặt Trời Mù – Curzio Malaparte

Cái làm hư hỏng con người, cái làm cho con người trở nên dữ tợn, hèn nhát, ích kỷ, chính là ý thức về cái chết. Loài vật chúng nó chỉ có cái bản năng sinh tồn, có thể là một linh cảm xa xôi nào đó. Nhưng loài vật không ý thức cái chết.…

Mật hẹn – Trích Điều gì xảy ra, ai biết – Kim Young Ha

Thuốc lá nàng hút bao giờ cũng là hiệu Gauloise . Gió sông cuộn lấy làn khói thuốc nhả ra từ phổi nàng, bay lên hư không và lan toả ra. Giống như là chờ đọi. Làn khói bay ngang qua chỗ tôi, bay cao hơn, đến nơi hơi nước ngưng tụ đợi lúc rơi…

Marriage Story – Một cuộc hôn nhân đẹp

Marriage Story là một bộ phim về một cuộc hôn nhân đẹp như mơ giữa một nam đạo diễn và một nữ diễn viên. Kết quả cho tình yêu của họ là một cậu con trai kháu khỉnh. Họ đã có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc cho đến khi… xem phim bạn sẽ…

Marley và tôi

Tôi thấy lúng túng bởi nỗi tiếc thương sâu sắc đến nhường nào dành cho con chó này, sâu sắc hơn đối với vài người mà tôi từng biết. Không phải tôi coi cuộc đời một con chó ngang với cuộc đời của một con người, nhưng ngoài gia đình tôi ra, có rất ít…