Hôm qua, một anh bạn già khuyên một em bạn trẻ là hãy đọc sách, tôi liền phản hồi: “Nguy to rồi.” Quả thực với những người trẻ tôi không dám khuyên họ đọc sách, bởi với tôi, đọc sách nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Bởi vậy với người trẻ tôi khuyên họ: Đừng đọc!
(Spoil)
Tại sao ư? Hãy đọc tiểu thuyết “Người Đọc” của tác giả Bernhard Shlink, Lê Quang dịch. Đó là câu chuyện về Hanna một phụ nữ là nhân viên soát vé tàu, nhưng vì không biết đọc và sợ bị phát hiện là mù chữ nên cô bỏ việc ngay khi được cất nhắc gửi đi học, sau đó cô làm quản tù trong trại tập trung, và cũng vì muốn che giấu là mình không biết đọc mà cô chấp nhận bị kết án tù. Tại sao cô lại phải che giấu điều đó? Hãy đọc tiếp câu chuyện, khi ở trong tù Hanna đã miệt mài học chữ, và biết đọc sách, những cuốn mượn được trong thư viện của tù, nhưng ai đọc tác phẩm hay xem phim chuyển thể đều biết ngày được trả tự do Hanna đã tự tử trong trại giam. Tại sao cô ấy lại làm thế?

Tôi thích đọc những tác phẩm mà nó gieo vào lòng tôi những câu hỏi, những câu hỏi mới là thứ giúp chúng ta đào sâu suy nghĩ. Hãy đọc lại vài đoạn trong “Người đọc” để tìm câu trả lời.
Đó là đoạn người tình trẻ nhận được thư của Hanna:
“Mù chữ là chưa trưởng thành. Khi Hanna có được dũng khí để học đọc và viết thì cô đã bước từ trẻ con lên người lớn, một bước khai sáng. Tôi ngắm nhìn hàng chữ của Hanna, nhìn thấy bao nhiêu sức lực và tranh đấu mà cô phải trả. Tôi tự hào về Hanna. Đồng thời tôi buồn cho cô, buồn cho cuộc đời muộn màng và huy hoàng của cô và hụt hẫng của cuộc đời nói chung.”
Đó là đoạn, khi lần đầu tiên anh vào thăm Hanna trong tù, sau 18 năm cô ở đây, hình ảnh đầu tiên anh gặp đó là: “Cô mặt chiếc áo dài màu xanh nhạt quá hẹp, chặt căng ở ngực, bụng và đùi. Hai tay cô đặt trong lòng, giữ một cuốn sách. Cô không đọc.”
Những đoạn sau đó quả thật tác giả miêu tả rất hay, nhưng tôi sẽ không trích dẫn tại đây, trở lại chủ đề đang bàn luận, chàng trai đã hỏi Hanna: “Em đọc nhiều đấy chứ?”, Hanna đã trả lời rằng: “Bình thường thôi. Nghe người khác đọc cho thích hơn. Nhưng bây giờ là hết, đúng không?”, chàng trai hỏi lại “Tại sao lại hết?”
Hãy dừng lại ở đoạn này, Hanna đã hiểu rằng “bây giờ là hết”, bởi cô đã biết đọc, anh sẽ không cần đọc cho cô nghe như xưa nữa, và cô đã hiểu mối quan hệ của họ cũng sẽ như vậy thôi.
Và hãy đọc lại một chi tiết nữa rất đắt trong tác phẩm, thật sự khiến độc giả như nghẹn lại, đó là sau khi Hanna tự tử, anh vào thăm lại căn buồng giam của Hanna, người quản tù đã hỏi anh: “Tại sao ông không viết thư bao giờ?”
Bernhard không hề viết nhưng độc giả có thể cảm nhận được những cảm xúc của Hanna. Con người Hanna trước đây, khi chưa biết đọc chỉ sống theo bản năng, nhưng con người Hanna khi ở trong tù, khi đã biết đọc là một con người biết suy tư, biết yêu thương, biết mong đợi. Cô chờ đợi lá thư anh viết cho cô, vậy nhưng anh đã không viết, anh chỉ đọc cho cô nghe, “… không hỏi thăm Hanna, không kể về mình. Tôi đọc đầu đề, tên tác giả và truyện. Khi hết truyện, tôi đợi một lát, đóng sách lại và ấn nút tắt máy. “ – giữa anh và cô vẫn có một khoảng trống vô hình, lặng im không nói nên lời.
Phải chăng vì biết chữ, biết đọc những cuốn sách mà Hanna đã tìm đến cái chết, bởi cô đã hiểu ra điều gì đó, hiểu về tương lai khi ra khỏi tù, cuộc sống của cô sẽ ra sao, có lẽ ở trong đó cô đã quá quen và cảm thấy an toàn. Phải chăng vì đã đọc những cuốn sách về trại tập trung, nên Hanna đã hiểu cô là một phần của tội ác mình đã góp phần gây ra, bởi vậy cô tìm đến cái chết như là sự tự trừng phạt cũng như giải thoát cho chính mình.
Bằng sự đọc Hanna đã tìm thấy bản thân mình nhưng cũng chính lúc đó cô hiểu rằng cô không thể dung thứ cho chính bản thân mình.
“Tôi muốn đọc lên là kết thúc.” – Anh đã muốn thế khi đọc cho cô nghe, vậy nhưng, đọc không phải là kết thúc mà đọc là tiếng gọi vào tiềm thức con người.
Bởi vậy, tôi khuyên bạn đừng đọc, bởi đọc là một hành vi nguy hiểm, nó có thể huỷ hoại con người ta, nhưng nếu biết tái tạo, ta sẽ tạo nên một con người mới, và tôi tin con người ấy sẽ tốt đẹp hơn.