hanhfm

HanhFM.info

♥ ♪ the Train moves not the Station ♫ ♥

February 2019
M T W T F S S
« Sep    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728  

Lưu trữ tổng hợp

Website hay

  • Alexdang
  • Mr Hói
  • Theo Yêu Cầu – Ngôi nhà nhỏ cho những ước mơ lớn

Bài viết liên quan

  • Tôi Từng Có Một Chú Chó Tên Là Xấu – Mãi Mãi Bên Nhau
  • Mộ phần tuổi trẻ – Huỳnh Trọng Khang
  • Tin vào sự nghi ngờ
  • Trên Facebook có 2 loại người
  • Cúi xuống nhìn thấy bầu trời

Phản hồi

  • Review NGƯỜI LẠ TRONG NHÀ – Leila Slimani, Nguyễn Thị Tươi dịch. (hanhfm) | Sách Nhã Nam on NGƯỜI LẠ TRONG NHÀ – Leila Slimani, Nguyễn Thị Tươi dịch.
  • Có cần kể nữa không? – ĐÊM NÚM SEN, TRẦN DẦN. on Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần
  • hanhfm on WOIM ra đi – Trích Nhiệt đới buồn, Phương Rong
  • T. on WOIM ra đi – Trích Nhiệt đới buồn, Phương Rong
  • hanhfm on Mật hẹn – Trích Điều gì xảy ra, ai biết – Kim Young Ha

Phim

Đọc sách đọc đọc và ngẫm Anh Khang cô đơn Colin Firth con song thu bay cuong con gio bac dịch Daniel Glattauer Frédéric Beigbeder Hà Trần Haruki Murakami Hoàng Anh Tú Jan Werner Kẻ ích kỷ lãng mạn Lê Hoàng Lê Quang M20 NG Ngỗng Nguyễn Ngọc Tư Nguyễn Phong Việt Nguyễn Thế Hoàng Linh Nguyễn Thiên Ngân phụ nữ Phan Ý Yên Piano QK2 Rừng Nauy sống sinh nhật tình yêu Tình yêu kéo dài 3 năm Tôi có quyền huỷ hoại bản thân Thơ The King's Speech Trích Trương Tiểu Nhàn Trang Hạ Trung thu Truong Sa Việt Nam VN yêu

Powered by Genesis

  • Đọc
  • Nghe
  • Xem
  • Lời của Gió Radio
You are here: Home / Archives for hanhfm

Cô Ba Sài Gòn – Phim Việt hay nhất 2017!

12/11/2017 by hanhfm

Cô Ba Sài Gòn có thể sẽ khiến khán giả thất vọng vì họ tưởng là mình sẽ được xem một bộ phim lịch sử, hoặc không dễ làm hài lòng những khán giả khó tính vì bộ phim hoàn toàn có thể xuất sắc hơn nữa. Dù thế nào thì đây vẫn là phim Việt hay nhất 2017.

Đã có rất nhiều những lời khen có cánh và cả những lời phê bình thẳng thắn dành cho Cô Ba Sài Gòn từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, phục trang, bối cảnh… Tất cả những thứ bên ngoài mà người xem có thể dễ dàng đưa ra nhận xét đánh giá, nhưng tại sao không mấy khi chúng ta nhắc đến thông điệp của một bộ phim? Đương nhiên rằng các nhà phê bình chỉ trọng tâm đến ngôn ngữ điện ảnh, khán giả thì chỉ chú ý đến kỹ xảo hình ảnh, phim phần đa là để giải trí, phim nghệ thuật quá chẳng dễ hiểu chút nào, thành ra vấn đề quan trọng nhất của một bộ phim là thông điệp ý nghĩa lại không còn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá phê bình một bộ phim hay. Hãy bỏ qua tất cả những yếu tố mang tính kỹ thuật, hãy xem phim với một góc nhìn khác, nhìn từ bên trong, ta sẽ thấy một bộ phim hay dù nó không phải là một bộ phim hoàn hảo.

Không câu kéo khán giả bằng chiêu trò, mà sử dụng hình ảnh chiếc Áo Dài để tạo sự chú ý, Cô Ba Sài Gòn gây ấn tượng và thiện cảm với khán giả từ người trẻ đến người lớn tuổi bằng một bộ phim nhiều màu sắc nhưng vẫn mang thông điệp ý nghĩa. Ngay từ phút đầu tiên khán giả đã bị mê đắm bởi hình ảnh Sài Gòn năm 1969 – Hòn Ngọc Viễn Đông một thời, nhưng chỉ 15 phút sau Cô Ba Sài Gòn đã khiến khán giả bất ngờ vì câu chuyện không như những gì khán giả chờ đợi. Nhưng đây là một bất ngờ thú vị chứ không phải sự hụt hẫng. Nếu ôm đồm tất cả những ý kiến mà các nhà phê bình đưa ra như: tập trung khai thác câu chuyện lịch sử chiếc Áo Dài, nhắc đến đề tài chiến tranh, sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tác động đến Sài Gòn, hoặc phải có sự xuất hiện rõ nét hơn của hình ảnh người đàn ông trong phim…thì có lẽ bộ phim sẽ trở nên lủng củng và gãy vụn. Không lựa chọn đi theo lối mòn của những motif cũ ấy, đạo diễn và biên kịch của Cô Ba Sài Gòn đã rất khéo léo khi “gia giảm” chi tiết, thêm thắt nội dung để xây dựng một tổng thể hài hòa hấp dẫn. Không xây dựng xung đột giữa các mối quan hệ, mà Cô Ba Sài Gòn tập trung khai thác xung đột nội tâm của nhân vật giữa cái tôi – cái ta, giữa quá khứ – hiện đại, giữa cái cũ – cái mới. Đặc biệt phim quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng nhưng không ai lấn át ai, và dù chỉ xuất hiện vài giây họ vẫn tỏa sáng theo cách riêng của mình, điều mà đến phim Hollywood lắm khi còn khiến diễn viên xuất hiện như một trò đùa. Hơn thế nữa, Cô Ba Sài Gònđã rất tinh tế khi lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống và kiến thức thời trang, để một bộ phim giải trí có thể là hời hợt bỗng trở nên chuyên nghiệp và đẳng cấp.

Không phải tuýp người hoài cổ chỉ biết có Áo Dài, cũng không phải kiểu người hào nhoáng chỉ biết đến vẻ đẹp bề ngoài của người phụ nữ, lại càng không cố gắng làm một bộ phim nghệ thuật vắng bóng khán giả, đạo diễn và biên kịch của Cô Ba Sài Gòn xây dựng chân dung người phụ nữ Việt xưa và nay, họ là những con người tân thời, hiện đại, dám nghĩ – dám làm, dù thất bại vẫn không đánh mất bản sắc, dù thành công vẫn không quên quá khứ… Với tuyên ngôn “Độc Lập – Tự Lo – Hạnh Phúc” bộ phim đã xây dưng một hình tượng đẹp và chân thực mà không riêng phụ nữ hay đàn ông, tất cả chúng ta ai cũng có thể tìm thấy mình trong Cô Ba Sài Gòn.

“Cô Ba” 1969 – hiện thân của những người trẻ tân thời và hiện đại, mải mê chạy theo thời thượng, mà lãng quên hồn phách dân tộc, mà coi nhẹ giá trị truyền thống.

“Cô Ba” 2017 – hiện thân của những người đã từng trẻ vì bồng bột, ngông cuồng để rồi tự biến cuộc đời mình thành vũng lầy của sự kiêu ngạo và thất bại.

Hành trình trưởng thành của Cô Ba Sài Gòn nhận ra những sai lầm của bản thân cũng chính là hành trình khán giả nhìn lại những va vấp mà ai cũng từng phải trải qua trong cuộc đời, sự nghiệp. Và chúng ta nhận ra rằng chỉ khi đối mặt với thất bại từ quá khứ, nỗ lực làm lại cuộc đời chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của bản thân.

Cô Ba Sài Gòn không chỉ là con đường tìm lại chính mình mà đó còn là con đường tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc. Điểm đặc sắc nhất của bộ phim là con đường ngược chiều thời gian, chiều đi đến tương lai là hành trình “Cô Ba” tìm về nguồn cội của chiếc Áo Dài, và chiều ngược về quá khứ là hành trình “Cô Ba” tìm lại chính mình. Đó cũng là cách thời trang cách tân để phù hợp với thời đại mà vẫn không mất đi bản sắc dân tộc. Đó là cách con người thay đổi để tìm lại chính mình. Và nếu khán giả khó tính nào đó phản biện rằng Sài Gòn 1969 cũng đã là một Sài Gòn cách tân rất nhiều so với thời kỳ trước đó rồi, thì như vậy để thấy văn hóa truyền thống không “cổ hủ” hay “bảo thủ” như con người ta vẫn ngộ nhận, mà văn hóa truyền thống luôn phải tiếp biến theo dòng chảy của thời gian, để không bị đóng khung trong bảo tàng. Giá trị của văn hóa truyền thống là nó vẫn có thể đồng hành cùng con người phát triển theo thời đại mà không đánh mất bản sắc. Nhưng ngược lại, nếu cứ mải mê chạy theo thời thượng, chúng ta sẽ đánh mất tất cả, thậm chí là ngôi nhà của chính mình. Phân tích ra thế này để thấy ý tưởng kịch bản của Cô Ba Sài Gònrất đặc sắc và bộ phim đã thành công khi truyền tải những thông điệp ý nghĩa sâu sắc và dễ cảm đối với khán giả.

Cô Ba Sài Gòn chắc chắn chưa thể làm hài lòng khán giả, vì phim bị “kịch tính” từ bối cảnh, phục trang đến diễn xuất của diễn viên. Và chiếc “áo dài” vẫn còn thiếu “quần”, thiếu chiếc cúc cài khuy áo hay đường xẻ tà khoe đường cong quyến rũ… Nhưng nội dung chính của Cô Ba Sài Gòn không phải là chiếc Áo Dài mà là hành trình tìm về chính mình, tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc. Và nếu chú ý theo dõi phần credit cuối phim, dễ nhận thấy ê-kíp thực hiện đều là những cái tên Việt, từ phần âm nhạc rất hay, đến phần quay phim trau chuốt với những cú máy dài xuyên không tạo ấn tượng tiếp nối… Không như một số bộ phim khác có sự đầu tư, hợp tác từ nước ngoài nhưng nội dung vẫn cứ chán như thường, vậy vấn đề không phải ở ai khác mà là chính chúng ta.Cô Ba Sài Gòn có thể tự hào là một sản phẩm Made In Việt Nam dù có bị chê là copy chỗ nọ hay học tập chỗ kia, thì phim Việt có thể chưa xuất sắc như nước ngoài nhưng là nỗ lực của chúng ta muốn khẳng định mình. Và sau Sài Gòn Anh Yêu Em, Cô Ba Sài Gòn… cũng như Cải Lương và Áo Dài… hy vọng sẽ có những bộ phim về địa danh và ngành nghề, văn hóa của Việt Nam được lên phim đẹp và hấp dẫn như thế.

Phim Việt giờ đẹp và chỉn chu không kém phim nước ngoài, nhưng nội dung thì… vẫn cần được đầu tư nhiều về chiều sâu. Bởi vậy hãy khoan nói đến những vấn đề kỹ thuật, kỹ xảo vì một bộ phim hay không chỉ ở ngôn ngữ điện ảnh, mà quan trọng là bộ phim mang thông điệp gì tới khán giả. Tìm lại nguồn cội, tìm về những giá trị truyền thống, tìm về với bản sắc văn hóa của dân tộc, đó là con đường đưa chúng ta tìm về bản thể của chính mình. Cô Ba Sài Gònxứng đáng là Phim Việt hay nhất 2017! Còn phim xuất sắc nhất thì… đợi 1 tháng nữa xem sao.

Filed Under: Phim, Xem, Xem phim Tagged With: Cô Ba Sài Gòn

Radius – Hấp dẫn một cách khó hiểu!

23/10/2017 by hanhfm

Tỉnh dậy sau cú va chạm xe hơi kinh hoàng khiến một người đàn ông không nhớ mình là ai. Trong hành trình tìm lại chính mình, đi đến đâu anh chỉ thấy những xác chết bất động với đôi mắt trắng toát lạ lùng. Và bắt đầu những sự kiện kì bí xảy ra như có một loại virus chết chóc đang bị phát tán trong không khí. Rồi anh sớm phát hiện ra một sự thật khủng khiếp: mình chính là trung tâm của một Bán Kính Tử Thần.

Radius – một bộ phim vừa gây sự tò mò tột độ với khán giả lại vừa khiến họ cảm thấy hoang mang, chán ngắt. Nếu mở đầu phim nhân vật chính bị một cú va chạm khủng khiếp, thì cái kết của Radius đúng là từ trên trời rơi xuống. Chính điều này hiển nhiên khiến khán giả khó chịu, họ đang chờ đợi một điều gì đó thật đặc biệt, nhưng rồi đạo diễn và biên kịch của bộ phim này đang chơi khăm khán giả ư? Tôi đành phải chấp nhận là tôi đã bị bộ phim này đánh lừa ngoạn mục. Cảm giác đó rất thú vị như khi xem The Invisible Guest – một bộ phim Tây Ban Nha ấn tượng đang gây sốt tại các rạp chiếu. Đây là những bộ phim khiến khán giả cảm giác như mình là những con lừa, ngồi chăm chú theo dõi từ đầu tới cuối, rồi nó bất ngờ kết thúc khiến họ ngã ngửa: Tất cả những gì mình vừa xem là cái quái gì vậy? Để rồi khi bước ra khỏi rạp, bộ phim đã hết nhưng nó chưa thật sự kết thúc. Lúc này khán giả bắt đầu chắp nối lại những tình tiết, hình ảnh họ vừa xem và suy luận coi mình đã bỏ lỡ chỗ nào hoặc tại sao mình lại bị “dắt mũi” như vậy.

Với những ai đã xem phim này, tôi hỏi thật là dù có chê nó dở tệ thì bạn cũng không thể phủ nhận rằng nó thật sự đã khiến bạn tò mò một cách phát điên khi muốn biết thực hư Bán Kính Tử Thần này là gì. Và mặc cho bộ phim chỉ giữ chân bạn chỉ trong những phút đầu thì Radius đã rất thành công khi khiến khán giả rối trí tới mức họ không nhận ra đây là một bộ phim rất thú vị. Cũng phải nói trước rằng, tôi là kẻ nực cười, đôi khi phim người khác chê tôi lại thấy hay và phim người khác khen nức nở tôi lại thấy nhạt nhẽo vô cùng. Đây là vấn đề về gu thưởng thức, vậy nên hãy cứ đọc bài viết này của tôi và comment phản đối.

Bạn có bao giờ để ý rằng đôi khi vì quá háo hức đi tìm bí ẩn của bộ phim mà chúng ta đã bỏ qua rất nhiều điều thú vị. Radius là một bộ phim như thế. Điểm thật sự tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của bộ phim chính là phần hiệu ứng âm thanh đầy tính ma mị, kết hợp với tông màu xám của hình ảnh mang đến một cảm giác lạnh lùng, bí ẩn và đầy kỳ bí. Đặc biệt đạo diễn đã tạo điểm nhấn cho phim bằng những hình ảnh cắt đúp, giật cục như cú phanh gấp kích thích cảm xúc của người xem. Và không thể không nhắc đến một ý tưởng kịch bản vô cùng hấp dẫn.

Radius gây nhiễu khán giả bằng hàng loạt tình tiết mơ hồ gây sự tò mò với khán giả. Nếu hai nhân vật chính không biết mình là ai và tại sao xung quanh họ lại xảy ra quá nhiều cái chết đến thế, thì tôi tin không chỉ khán giả mù mờ mọi chuyện mà ngay cả biên kịch của bộ phim cũng vậy. Có đôi khi, tác giả của câu chuyện không là người quyết định mà chính hành động của nhân vật tự diễn biến và tự kết thúc. Radius không hẳn là bộ phim như vậy, biên kịch đã nghĩ ra một ý tưởng độc đáo và thú vị, nhưng bản thân họ thật sự không biết nhân vật sẽ đi về đâu, và rồi bộ phim được kết thúc bằng một cái kết từ trên trời rơi xuống. Đó như một cú shock, khiến khán giả ra về mà cũng không hiểu mình vừa xem cái gì. Lúc này, bạn cũng sẽ như hai nhân vật chính, không hiểu chuyển gì vừa xảy ra, cái mà chúng ta vừa xem đó là gì? Suốt bộ phim anh ta là một kẻ vô tội nhưng thực chất anh ta lại có một quá khứ đầy tội lỗi. Vậy điều gì khiến anh ta từ một kẻ giết người lại tự cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình? Cú sét trời đánh ấy đã thay đổi con người anh hay hành trình tìm về quá khứ? Liệu chúng ta có thể trốn thoát khỏi quá khứ? Quá khứ có phải là thứ chúng ta có thể rũ bỏ, hay chính nó có thể giết chết chúng ta? Và tại sao anh ta ở quá gần và cô ấy ở quá xa thì cái chết sẽ xảy ra? Đây chính là thành công của Radius khi bộ phim đặt ra cho khán giả quá nhiều câu hỏi mà đôi khi họ không buồn giải đáp, nhưng rất có thể điều thú vị sẽ đến với người kiên nhẫn tìm câu trả lời. Và khi hoàn hồn khỏi cái kết trên trời rơi xuống ấy, tôi nhận ra những triết lý rất sâu xa của bộ phim này.

Con người luôn luôn đau đáu về quá khứ, dù quá khứ đôi khi rất mơ hồ, vậy nhưng chúng ta luôn bị quá khứ ám ảnh, bởi vì chỉ có quá khứ mới định nghĩa được chúng ta là ai.

Có người cho rằng nữ chính không dám giết nam chính vì cô có tình cảm với anh. Tôi nghĩ cũng đúng, nhưng lý do là vì cô không phải là người có thể giết người cho dù chính hắn là kẻ đã giết chết chị gái của cô, nhưng cũng chính hắn là kẻ đã cứu cô thoát khỏi cái chết. Điều đó thật sự khiến cô đau khổ khi đứng giữa lựa chọn trả thù hay tha thứ.

Nếu đến đây bạn vẫn cho rằng Radius là một bộ phim lãng xẹt, thì có thể vì bạn chưa giải mã được những triết lý của bộ phim. Cú sét đánh trúng hai nhân vật chính đã làm tăng năng lực trong con người họ. Anh ta là kẻ giết người  vì vậy sức mạnh sát nhân của anh ta đã khiến những ai đến gần đều bị chết. Nhưng cô gái ấy lại là một người tràn đầy tình yêu thương giành cho người chị, nên nó là sức mạnh ngăn chặn sức mạnh chết người của anh ta. Và chỉ khi hai người họ ở bên nhau thì mọi người đều an toàn. Đây cũng chính là thông điệp ý nghĩa nhất của bộ phim: Tất cả chúng ta đều chết, trừ khi chúng ta ở bên nhau.

Radius là một tác phẩm điện ảnh độc đáo, hấp dẫn một cách khó hiểu, nhưng khi đã giải mã được bạn sẽ thấy nó vô cùng thú vị. Tôi thích những bộ phim như thế này, nó không phải là một ly rượu vang hay một chén rượu mạnh hoặc một cốc bia mát lành, mà nó là một ly coctail được pha chế một cách độc đáo. Một chút kinh dị, một chút khoa học viễn tưởng, một chút tâm lý hình sự,… tất cả làm nên một phong vị rất riêng mà không phải bộ phim nào cũng làm được. Thật tuyệt khi rạp chiếu phim gần đây lại có những bộ phim thú vị như thế này. Vì vậy, tôi phải có một lời cảm ơn tới đơn vị phát hành đã không sợ lỗ mà mạo hiểm thay đổi khẩu vị cho khán giả. Và dù điều này rất khó thì tôi hy vọng và tin rằng những bộ phim như vậy sẽ được đón nhận nhiều hơn.

Tôi không dám khuyên bạn nên xem phim này vì có thể nó sẽ làm phí thời gian của bạn. Nhưng với những ai đã xem phim rồi thì hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho bạn cái nhìn khác về bộ phim. Và biết đâu, bạn cũng thấy nó thú vị hơn bạn tưởng.

Đánh giá: 8/10

Filed Under: Phim, Xem, Xem phim

The Last Face – Vì sao một bộ phim hay lại bị đánh giá thấp?

19/10/2017 by hanhfm

Bộ phim nào được đánh giá cao, nhưng sau khi xem bạn lại không thấy hay? Bộ phim nào bạn thấy rất hay, nhưng lại bị những trang phim phê bình đánh giá rất thấp? Bất kỳ mọt phim nào cũng từng rơi vào hoàn cảnh trái ngang này. Với bạn, thì đó là những bộ phim nào?

The Last Face bộ phim của đạo diễn Sean Penn, diễn viên chính Charlize Theron, Javier Bardem – cả 3 đều đã từng đoạt giải Oscar, diễn viên phụ Jean Nero, Adèle Exarchopoulos – những ngôi sao điện ảnh của Pháp, một nhân vật gạo cội và một nữ diễn viên trẻ tài năng từng đoạt giải Cannes. Đây là tác phẩm điện ảnh đại diện cho Mỹ tham dự liên hoan phim Cannes 2016. Tuy nhiên sau buổi công chiếu ra mắt, The Last Face đã bị các nhà phê bình chê bai nặng nề và nhận số điểm 4.4 trên trang imdb với 2,173 lượt bình chọn, 1 sao trên Rottentomatoes với 43 lượt bình chọn. Những thông tin trên cho chúng ta thấy: một bộ phim đầy sao lớn cũng có thể trở thành thảm họa. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau khi xem The Last Face thì tôi thật sự thắc mắc vì sao một bộ phim hay như thế này lại bị đánh giá thấp?

Trong một căn phòng tối với ánh đèn mờ, The Last Face bắt đầu bằng là sự xuất hiện của hai diễn viên chính trong một tâm trạng khó đoán định. Javier Bardem có vẻ mạnh mẽ, cương nghị ôm Charlize Theron từ đằng sau, khuôn mặt cô thoáng hiện lên sự ưu tư căng thẳng. Có vẻ như mối quan hệ của họ không được yên ả? Họ có yêu nhau? Đó là cảm giác hoài nghi đầu tiên của tôi khi xem phim, vậy nhưng khi nhân vật của Charlie Theron bắt đầu hồi tưởng lại những ký ức của mình, tôi mới hay mình đã bị tấm poster đánh lừa.

“Chiến tranh mang họ đến với nhau, nhưng tình yêu mới chính là bức tường ngăn cách.” – Dòng giới thiệu được in trên tấm poster treo ngay tại lối vào của rạp chiếu phim, cùng chân dung hai diễn viên ngôi sao Charlize Theron và  Javier Bardem, khiến tôi phải mua vé xem ngay, không cần biết nội dung thế nào. Suất chiếu hôm đó có 3 người, tôi và một cặp đôi sinh viên – có lẽ họ nghĩ đây là một bộ phim tình cảm hợp để cả hai có những phút giây lãng mạn, nhưng rồi khi bộ phim kết thúc họ đã đi ra khỏi rạp tự lúc nào không hay. Cũng chẳng có gì bất ngờ, bởi The Last Face không phải là một bộ phim tình cảm lãng mạn.

Wren Petersen (Charlize Theron) là bác sĩ và nhà hoạt động xã hội làm việc trong MDM – tổ chức bác sĩ thế giới, nơi mà người cha đã qua đời của cô từng cống hiến gần như cả cuộc đời sự nghiệp tại Châu Phi. Tiếp bước cha mình Wren đến nơi đầy hỗn loạn và nguy hiểm bởi chiến tranh xung đột này, nơi mà lần đầu tiên cô cảm thấy mình như là người vô hình, chỉ là một ý niệm không tồn tại. Cho đến khi Wren gặp Miguel Leon (Javier Bardem), một bác sỹ phẫu thuật quyến rũ, người cũng đã cống hiến hết mình cho việc điều trị cho những nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật tại châu Phi. Từ trong những điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến tranh đẫm máu, họ đã tìm thấy sợi dây liên kết nhưng rồi đó cũng chính là lý do khiến họ phải dời xa nhau. Trong khi Miguel kiên trì tiếp tục sứ mệnh ở lại Châu Phi giúp đỡ những người dân nới đây thì Wren quyết định trở về và trở thành phát ngôn viên của một tổ chức viện trợ cho các khu vực và vùng lãnh thổ bị chiến tranh, nạn đói tàn phá. Liệu tình yêu có đủ sức mạnh đưa họ quay lại với nhau? Và liệu

Phần tóm tắt nội dung của The Last Face có vẻ chẳng có gì hấp dẫn và khán giả có thể dễ thấy những lý do vì sao bộ phim không được các nhà phê bình phương Tây đánh giá cao.

Một câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai người nước ngoài da trắng ngay giữa bi kịch ở châu Phi khiến cho những nhà phê bình cảm thấy tội lỗi. Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu câu chuyện của họ được đặt vào bối cảnh của 50 năm trước đây, cái thời mà con người ta sẵn sàng hy sinh bản thân và cả tình yêu để lao vào cuộc chiến vĩ đại vì giải phóng dân tộc hay hòa bình thế giới, thì ngày nay con người ta không còn tin vào thứ lý tưởng cao cả ấy nữa. Thế cho nên, câu chuyện của hai bác sĩ quên mình vì sứ mệnh hòa bình thế giới, với nhiều người đó là một điều viển vông.

Lý do thứ hai là với những người phương Tây, họ thật sự cảm thấy bị tự ái bởi ngay từ phần mở đầu bộ phim nhân vật của Charlize Theron đã nói rằng hòa nhạc gây quỹ là cần thiết để những người phương Tây được nghe những câu chuyện về cuộc xung đột này. Và trong một cảnh đối thoại căng thẳng trong cuộc họp cấp cao cô không ngần ngại chỉ ra vấn đề trong công tác viện trợ châu Phi chưa được họ coi trọng đúng mức.

Một lý do nữa mà tôi nghĩ là sai lầm của đạo diễn Sean Penn chính là việc sử dụng một số cảnh quay quá đẹp, quá nghệ thuật phần nào đó lạc tông so với mạch phim. Charlize Theron trên phim cũng quá đẹp và quá gợi cảm trong chiếc áo phông mỏng giữa cuộc sống hỗn loạn của châu Phi. Phong cách của bác sĩ Miguel do Javier Bardem đóng cũng được xây dựng quá lãng tử, khi anh thích nghe nhạc rock khi phẫu thuật, các nhân viên cứu trợ phương Tây vẫn thích nghe Red Hot Chilli Pepers để có những phút giây thanh bình ngắn ngủi  làm giảm bớt căng thẳng của cuộc chiến nơi đây. Điều này có thể tạo nên sự phản cảm đối với người xem, nhưng thật ra đó lại là những chi tiết rất thực tế. Những nhân viên cứu trợ là những người anh hùng của châu Phi, nhưng họ không bị bộ phim lý tưởng hóa một cách tuyệt đối mà họ cũng chỉ là con người bình thường.

Một điều phải nhắc lại rằng Cannes không phải là một liên hoan phim dễ xem đối với nhiều khán giả, nên việc một bộ phim như The Last Face bị đánh giá thấp tại đây cũng là điều bình thường bởi hình như Cannes không thích phim chiến tranh. Và hãy nhìn ở góc độ khác, như nhà văn người Pháp Frédéric Beigbeder đã châm biếm rất thú vị trong tác phẩm Kẻ Ích Kỷ Lãng Mạn rằng: “Liên hoan Phim Cannes: chẳng ai đến đó để xem phim cả… Ở đó sẽ có cả đống limousin có điều hòa, chẳng đúng sao? “ Người ta chỉ quan tâm đến thảm đỏ, những bộ váy lộng lẫy, những chiếc du thuyền xa hoa,… Đâu phải ai cũng đến Cannes chỉ để xem phim. Và có thể rằng những nhà phê bình ở đây đã xem quá đủ những hình ảnh kinh khủng về chiến tranh và đói nghèo tại Châu Phi, bởi vậy mà những gì đạo diễn Sean Penn cố gắng truyền tài về sự khốc liệt tại mảnh đất này, dường như không còn xa lạ và khiến họ cảm thấy bất ngờ, rung động. Và gu thưởng thức của họ phải là những tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, đề tài độc đáo, phản ánh đời sống một cách trừu tượng. Hẳn nhiên The Last Face không hợp gu của Cannes, và dù không nổi trội so với những phim tranh cử năm đó, thì việc hạ thấp một bộ phim hẳn nhiên phần nhiều những nhà phê bình luôn mang định kiến cá nhân. Chắc chắn rằng bản thân tôi cũng có những định kiến khi cho rằng những nhà phê bình họ cũng có những định kiến của riêng mình. Đây hoàn toàn là phạm trù mang tính cá nhân, bởi vậy dù dễ dàng thấy những điểm yếu trong bộ phim này, thì với tôi The Last Face vẫn là một bộ phim hay và vô cùng xúc động.

Nếu người ta chê câu chuyện tình lãng mạn không phù hợp trong The Last Face, thì tôi lại thấy nội dung kịch bản đã khéo léo xây dựng một câu chuyện tình đầy khắc khoải. Hai nhân vật chính được xây dựng với những mảng đối lập, dù mỗi người một hướng ngược chiều nhau thì thực chất họ vẫn trên cũng một con đường vì tình yêu con người.

Với người cha suốt ngày vắng mặt và người mẹ chẳng có cách nào khác ngoài việc khỏa lấp nỗi cô đơn bằng những cuộc tình ngoài luồng, Wren không còn niềm tin vào tình yêu, cô chỉ có một lý tưởng được tiếp nối công việc của cha mình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, với lối sống phóng khoáng tự do, cùng tài năng về chuyên môn bác sĩ Miguel không có sự níu kéo nào từ cuộc sống bình yên nơi phương Tây giàu có, mà anh quyết định gắn bó với mảnh đất Tây Phi đầy gian khổ để cứu giúp những nạn nhân chiến tranh. Mỗi người họ đều có lý tưởng cho riêng mình. Nếu Wren cảm thấy bất lực trước đói nghèo, bệnh tật, giết chóc tại nơi đây, thì Miguel chỉ xả thân mình trong việc cứu giúp những thân phận bé nhỏ. Một người muốn thoát ra để kêu gọi thế giới phải hành động vì hòa bình, một người lại muốn đi vào điểm nóng của cuộc chiến để khắc phục hậu quả cho vùng đất này. Dù bất đồng quan điểm và con đường đi nhưng hai con người họ đều mang trên vai lý tưởng cao đẹp vì nhân loại. The Last Face là tác phẩm ngợi ca những nhân viên cứu trợ quốc tế đã nỗ lực làm việc bởi những thúc đẩy đạo đức và sự phát triển của loài người. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng hình như đâu còn mấy nhà làm phim quan tâm đến những đề tài như thế này nữa?

Dù câu chuyện tình của Wren và Miguel đầy khắc khoải và day dứt thì điều thật sự khiến tôi xúc động khi xem The Last Face lại là những cảnh về châu Phi. Nếu đã xem quá đủ những tác phẩm chiến tranh hoành tráng của Hollywood, thể hiện chân thực và khốc liệt nhất bằng khói lửa, bom đạn và xác chết, thì The Last Face sẽ khiến khán giả bàng hoàng vì những hình ảnh quá thật và quá tàn nhẫn. Những xác người chồng lên nhau trong tiếng vo ve của đàn ruồi, những đứa trẻ bị bắt cầm súng và chúng đã phải quen dần với việc nhìn thấy những phần thân thể không lành lặn… Các bác sĩ làm việc ở đây trong điều kiện thiếu thốn, họ phải lựa chọn xem bệnh nhân nào may mắn nhận được số máu cuối cùng để truyền, họ phải quen với cảm giác bất lực trước cái chết của một con người… Những hình ảnh đó trong The Last Face như những thước phim tài liệu rất thật về cuộc chiến ở châu Phi. Và khi xem những cảnh quay đó thật sự khiến tim tôi như nghẹn lại.

Có lẽ rằng vì quá mải mê vào câu chuyện tình của hai nhân vật chính, nên người xem có thể đã bỏ qua những thông điệp quốc tế mà bộ phim muốn nhắn gửi. The Last Face cũng ngầm đặt ra vấn đề thế giới trong việc cứu trợ. Việc đưa con người và vật chất tới châu Phi để khắc phục giúp đỡ người dân hoàn toàn là chưa đủ, mà để giải quyết vấn đề ở đây còn cần sự tham gia từ bên ngoài của các tổ chức, quốc gia. Và không chỉ câu chuyện về Châu Phi, The Last Face còn là lời kêu gọi thế giới hãy quan tâm và mở rộng cửa đối với những người nhập cư. Bài diễn văn của Wren cuối phim khi kể lại câu chuyện của người cha, trên một chiếc thuyền di dân tại Campuchia thật sự để lại cho người xem nhiều suy nghĩ:

“Ông đã hỏi một người: Nếu có một điều ước lúc này, ông muốn gì? Cha tôi đã nghĩ đó là thức ăn hoặc tiền, nhưng người đàn ông đó đã trả lời: Tôi muốn một cuốn sách có tất cả tác phẩm Văn Học Cổ Điển Pháp. Người đàn ông ấy từng là một giáo sư văn học tại một trường đại học cho đến ngày ông ta phải di cư. Có vẻ như chúng ta nhìn vào những người tị nạn như thể đó là những gì họ phải trải qua. Họ không giống chúng ta. Nhưng cũng như chúng tam họ là công nhân, kế toán, giáo viên, nhà xây dựng, nông dân. Họ cũng có gia đình và có những ước mơ. Ước mơ, rất nhiều người trên thế giới này đã phải từ bỏ ước mơ của chính họ. Chiến tranh tấn công ước mơ. Nghèo đói tấn công những ước mơ. Thiên tai tấn công ước mơ. Bệnh tật tấn công những ước mơ. Những giấc mơ không phải là điều gì quá xa xỉ, những người tị nạn họ cũng giống chúng ta cũng có những ước mơ và ước mơ là nhu cầu đơn giản nhất của con người.”

Hai nhân vật trong The Last Face họ cũng có ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, nhưng họ lại cảm thấy rằng bên nhau chính là điều bất công với thế giới này, bởi có những nơi cần họ. Và tưởng rằng sau khi gặp lại, họ sẽ bên nhau, nhưng cuối cùng bác sĩ Miguel vẫn quyết định quay trở về châu Phi, mảnh đất hoang dã nơi anh được xả thân vì lý tưởng của mình. Và Wren chấp nhận ở lại, để thực hiện mục tiêu chấm dứt chiến tranh nơi đây, bởi chỉ khi đó Miguel mới có thể an tâm trở về với cô. Và có một câu nói được nhắc lại hai lần trong The Last Face, tưởng như rất sáo rỗng nhưng lại chính là triết lý của cuộc đời: “Tại sao hai người không cưới nhau? Cuộc sống rất khó khăn và chúng ta luôn cần có người để chia sẻ.” Họ đã trao cho nhau nhẫn cưới và chia sẻ khó khăn theo cách riêng của họ, chính là để người kia được thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

The Last Face kết thúc bằng lời tâm sự mở đầu của nhân vật bác sĩ Wren: Trước khi gặp anh, tôi chỉ là một ý niệm, tôi không thật sự tồn tại… Và khi gặp nhau, tình yêu đã cho họ thấy ý nghĩa của bản thân.

Không khó để phân tích ra những điểm khiến The Last Face bị đánh giá thấp như vậy. Và tất cả những phân tích trên không phải lời biện hộ cho bộ phim, mà là để thấy vấn đề hay/dở thuộc về phạm trù cảm xúc. Dù không được đánh giá cao, dù không phải là một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo, xuất sắc, nhưng nó vẫn có thể chạm tới trái tim khán giả thì đó vẫn là một bộ phim hay với họ. Bạn có biết vì sao bộ phim bạn yêu thích mà lại bị đánh giá thấp chưa? Và vì sao một bộ phim được đánh giá rất cao mà bạn chẳng thấy nó hay ở điểm nào cả? Chắc rằng câu trả lời không quan trọng bằng việc bộ phim này mang đến cho bạn cảm xúc gì không?

Filed Under: Xem, Xem phim Tagged With: Charlize Theron, Javier Bardem, Sean Penn, The Last Face

[REVIEW] I Can Speak – Một bộ phim giản dị nhưng có thể nói lên những thông điệp lớn lao.

13/10/2017 by hanhfm

I Can Speak là nhan đề tiếng Anh của bộ phim Hàn Quốc mới ra rạp tại Việt Nam với tựa Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ. Hẳn rằng khán giả sẽ đang mong chờ một bộ phim hài hước, vui nhộn. Hãy yên tâm là bạn sẽ được xem một bộ phim “dở khóc dở cười” nhưng vô cùng tuyệt vời, vì sau khi xem bạn sẽ “cười ra nước mắt”.

I Can Speak là câu chuyện về một bà già khó tính, lắm điều với sở thích chuyên khiếu nại các vi phạm xảy ra trong khu dân cư. Chuyện phim sẽ chẳng có gì hấp dẫn, cho đến một ngày, bà già gặp… thanh niên nghiêm túc – một nhân viên mới của văn phòng tiếp dân có khả năng bắn tiếng Anh như gió, khiến bà già khó tính thay đổi 180 độ, làm đủ mọi cách để được anh dạy tiếng Anh. Từ đó, những tình huống dở khóc dở cười bắt đầu xảy đến đúng như mong đợi của khán giả. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi diễn biến của phim đi theo chiều hướng tình bạn nảy sinh giữa hai con người chênh lệch tuổi tác này. Nhưng nếu chỉ dừng ở đây bộ phim sẽ chẳng có gì đáng nói. Điều thật sự hấp dẫn khiến khán giả bất ngờ và nên đến rạp xem phim chính là câu chuyện buồn đằng sau của I Can Speak. Bạn có thắc mắc tại sao một bà già lại phải vất vả học một thứ tiếng xa lạ ở cái tuổi gần đất xa trời? Điều bà muốn nói là gì? Tôi không nên tiết lộ nội dung phim ở đây mà hãy xem phim và khi tìm câu trả lời chắc chắn bạn sẽ khóc vì những gì bà có thể nói.

Với nhiều khán giả yêu thích phim Hàn thì diễn viên Na Moon-he đã quá quen thuộc trong rất nhiều tác phẩm truyền hình và điện ảnh. Tuy nhiên, chính điều này có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Thêm vào đó phim không có diễn viên hot girl xinh đẹp, không hot boy ngôi sao với lượng fan khủng, nội dung cũng không có nhiều yếu tố giật gân. Vậy điều gì khiến I Can Speak vẫn đủ sức lôi cuốn khán giả?

Nếu là khán giả thiên về dòng phim nghệ thuật và mong đợi một câu chuyện nặng nề, cầu kỳ hơn thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không hứng thú với một kịch bản phim thay đổi tông liên tục, từ hài hước đến hiện thực xã hội, từ ly kỳ giật gân chuyển sang chính kịch. Nhưng hình như khán giả đã quá kỹ tính khi muốn đóng khung một bộ phim theo từng thể loại riêng biệt. Tôi thì lại thấy I Can Speak đã rất khéo léo khi kết hợp vừa đủ những yếu tố hài, tâm lý, xã hội, thậm chí là một chút hình sự, rùng rợn để tạo sự hấp dẫn cho bộ phim. Tuy nhiên điều mà tôi thấy I Can Speak thật sự ấn tượng đó chính là những tình tiết nhẹ nhàng nhưng vô cùng tinh thế. Đó là những chi tiết rất nhỏ nhưng đã được phim xử lý rất tình. Đó là sau khi ngoại già dám nói lên sự thật giấu kín suốt nhiều năm trời, trở về nhà bà phải chứng kiến những ánh mắt lảng tránh của người hàng xóm. Phải chăng họ không dám đối diện với bà? Phải chăng họ coi thường bà? Tôi đã tự hỏi mình lúc đó, nhưng kịch bản phim đã rất khéo léo khi tạo nên tình tiết bất ngờ. Khán giả thật sự thấy xúc động khi biết lý do vì sao những người hàng xóm lại không dám đối mặt bà, đó là bởi vì họ cảm thấy hối hận vì đã không hiểu được người ngay bên cạnh mình, họ cảm thấy tiếc nuối và cả chua xót với quá khứ đau buồn mà bà không dám nói ra. Và đặc biệt là chi tiết cô bạn hàng xóm thân thiết lại trách bà rằng tại sao là bạn thân suốt nhiều năm mà bà không chia sẻ cả những nỗi đau giấu kín nhất. Những chi tiết giản dị và chân thực này đã toát lên ý nghĩa của tình bạn, tình người.

Không chỉ vậy, I Can Speak cũng phản ánh hiện thực đời sống xã hội một cách nhẹ nhàng tinh tế nhưng vẫn châm biếm sâu cay về cách làm việc của các các cơ quan công quyền có thái độ thờ ơ, cản trở những người dân nghèo phải đối mặt trong quá trình đô thị hoá và kinh tế thị trường. Tuy nhiên phim cũng cho thấy cái nhìn cảm thông với những viên chức nhà nước. Với khán giả trẻ tuổi, tôi tin rằng họ sẽ thấy bản thân mình đâu đó qua hình ảnh anh chàng nhân viên mới của văn phòng tiếp dân, chúng ta đều cố gắng phấn đấu học thật xuất sắc và luôn nung nấu những hoài bão ước mơ được làm công việc mình yêu thích như kiến trúc sư, nhưng thực tế thì đôi khi chúng ta phải an phận với công việc như nhân viên văn phòng tiếp dân sử lý những vấn đề giấy tờ hành chính liên quan đến xây dựng. Và nếu bạn có cái nhìn không thiện cảm với viên chức nhà nước thì đôi khi họ cũng chỉ đang làm việc theo nhiệm vụ, nguyên tắc, trong khi đó họ phải tiếp những công dân nhiều chuyện như ngoại già khó tính thì nếu là bạn, bạn có thể lúc nào cũng niềm nở, thoải mái tiếp đón được không?

Thêm một điều thú vị nữa từ tiêu đề của bộ phim. Tôi thường khá khó chịu với cách đặt tựa cho phim nước ngoài khi ra rạp Việt. Và cũng đã có khán giả sau khi xem I Can Speak thì không hài lòng với cái tựa Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ vì cho rằng nó chưa toát lên đúng nội dung ý nghĩa của phim. Tuy nhiên tôi lại thấy cái tựa này rất thú vị và khá hợp lý, vì trong phim phần đầu tiên thì Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ còn cậu chuyện lớn hơn ở phía sau. Thế nên cái tựa phim đôi khi không cần phải quá cụ thể vì chắc chắn không ít khán giả như tôi đang chờ đợi một bộ phim hài giải trí đơn thuần thì cái kết cuối cùng của phim sẽ khiến người xem cảm thấy bất ngờ và đánh giá cao bộ phim.

Nhắc đến nội dung Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ thì ngay trong tên của “ngoại già khó tính” Ok-boon biên kịch đã rất khéo kéo khi có từ Ok trong đó như muốn nói lên tinh thần “Tôi ổn” của bà. Và I Can Speak cũng đã mang đến cho khán giả những bài học đơn giản nhưng quan trọng và hiệu quả trong việc luyện kỹ năng học tiếng Anh, mà không chỉ cho các cụ già mà ngay cả người trẻ cũng không thể không áp dụng những phương pháp hiệu quả này, đó là: tự ôn luyện, chỉ sử dụng tiếng Anh trong lớp và đặc biệt là không ngại giao tiếp với người nước ngoài. Chắc hẳn rằng nhiều khán giả sau khi xem cũng phần nào rút ra được cho riêng mình những kỹ năng cơ bản và hữu ích cho việc học ngoại ngữ.

Câu tiếng Anh được nhắc lại nhiều lần trong phim, thậm chí ngay cả trong chi tiết quan trọng đó là “How are you? I’m Fine Thank You, And You?” Có thể bạn sẽ thấy câu thoại này chẳng có gì đáng chú ý, nhưng tôi lại thấy đây là một chi tiết được kịch bản xây dựng rất tinh tế. Bởi hãy nghĩ xem, để biết nói tiếng Anh đâu quá phức tạp, dù chỉ là vài câu xã giao, nhưng điều ý nghĩa quan trọng vẫn là để con người kết nối, hỏi thăm nhau. Và thật tuyệt biết bao khi chúng ta được nói với người bạn, người đồng nghiệp… rằng: I’m fine, thank you, and you?

Với tôi từng câu thoại trong I Can Speak đều được tối giản một cách tinh tế. Ví dụ như cảnh cậu nhân viên văn phòng tiếp dân, gia sư tiếng Anh của ngoại già khó tính, kể câu chuyện về cuộc đời mình bằng một tràng tiếng Anh, sau khi lắng nghe thì bà nói: Chuyện của cậu thật buồn. Không riêng nhân vật anh gia sư bất đắc dĩ mà khán giả cũng rất bất ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn khi bà nói rằng: Nghe giọng cậu tôi có thể hiểu cậu đã trải qua chuyện buồn thế nào. Đâu cần phải sử dụng chi tiết gì quá đắt, chỉ qua vài câu thoại tưởng như đơn giản, nhưng bộ phim đã gửi gắm những thông điệp giản dị mà sâu sắc rằng: chúng ta có thể không hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc qua giọng nói của nhau.

Có thể nói I Can Speak đã xuất sắc khi phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng rất sâu cay và mang nhiều thông điệp ý nghĩa mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể cảm nhận. Nếu gần đây bộ phim Đảo Địa Ngục tái hiện câu chuyện chiến tranh một cách nặng nề thì trong I Can Speak quá khứ đau buồn của người dân Hàn Quốc được khắc họa giản dị, tinh tế và dễ đi vào lòng người. Đây là điều mà có lẽ không phải nền điện ảnh nào cũng có thể làm được. Làm thế nào để đề tài chiến tranh, lịch sử… không khiến khán giả trẻ thờ ơ vì nội dung quá nặng nề, “đao to búa lớn”? Hãy học tập cách các nhà làm phim Hàn Quốc đã rất khéo léo khi xây dựng một tác phẩm giải trí nhưng vẫn lồng ghép một câu chuyện có giá trị nhân văn và đặc biệt là mang thông điệp lịch sử tới khán giả.

“Đó là điều tôi muốn quên nhưng tôi không muốn vứt bỏ nó. Nếu quên thì đã thua rồi!”

Câu nói của “ngoại già khó tính” rất đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Dù quá khứ lịch sử có thể rất đau buồn và không ai muốn nhắc lại, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền chối bỏ, bởi nếu lịch sử bị lãng quên thì chính chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Một thông điệp sâu sắc mà I Can Speak cũng đã truyền tải thành công đó là: Hãy kịp nói lời xin lỗi trước khi quá muộn và đó cũng là cách giúp chúng ta khép lại quá khứ đau buồn để có thể bình yên sống tiếp. Một lời xin lỗi tưởng như đơn giản và sáo rỗng, nhưng đôi khi nó là lời nói vô cùng quan trọng mà không phải ai, và ngay cả chính phủ cũng không dám đối mặt và nói ra.


Mặc dù vậy những vấn đề được đề cập tới trong I Can Speak đều chưa được giải quyết dứt điểm. Những khiếu nại của khu dân cư và văn phòng quận vẫn chưa thật sự được giải quyết dứt điểm. Lời xin lỗi của chính phủ Nhật vẫn chưa được thực hiện. Nhưng đây mới chính là điểm thành công nhất của bộ phim, bởi thông điệp mà bộ phim muốn nói tới chính là: I Can Speak – chúng ta đừng im lặng với lịch sử, hãy sẵn sàng lên tiếng trước những bất công trong xã hội. Đây chính là điều tôi thật sự cảm thấy yêu thích và đánh giá cao tài năng của những nhà biên kịch và làm phim Hàn Quốc, vì chỉ trong một bộ phim giản dị, nhưng lại có thể nói lên những thông điệp lớn lao.

I Can Speak – Tôi có thể nói… rằng đây thật sự là một bộ phim vô cùng sâu sắc. Và tôi tin không chỉ khán giả lớn tuổi mà khán giả trẻ hãy nên đi xem bộ phim này.

Đánh giá: 8/10 điểm.

Filed Under: Phim, Xem, Xem phim Tagged With: I Can Speak, Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ

Có cần kể nữa không? – ĐÊM NÚM SEN, TRẦN DẦN.

10/09/2017 by hanhfm

Có cần kể nữa không?
Thôi! Hãy nhường lời cho những pho sử ký.
…
Chiến tranh đã kết thúc. Có cần thêm gì không? Vết thương phố xá đã băng bìa lại. Có phố đã lên đã non. Có phố thành sẹo đời. Có cần kể gì thêm? Những vết thương be bé trên các số phận… Cơ man ra… Ai chữa những vết thương ấy? Không ai! Thời gian chăng? Thời gian có chữa được cái số phận bi thương khoing? Có! Không?… Ai chữa cho tôi? Và tôi có thực là cần chữa hay không?
…
Có cần kể gì thêm nữa không?
…
Chiến tranh. Nó đã kết thúc. Vì nó phải kết thúc. Nhưng mà cái cuốn gói của nó. Nó để lại: những làng tan nát, những thành quách tan nát à. Cả một xã hội bi thương…
…
Thời gian ư? Thời gian cũng không thể sân sửa cho những cái án mạng của chiến tranh ấy.
…
Có cần kể thêm gì nữa không?

– ĐÊM NÚM SEN, TRẦN DẦN.

Đọc đoạn trên thấy nhớ NHỮNG NGÃ TƯ và NHỮNG CỘT ĐÈN, nhớ cái giọng văn như dẫn dụ ta theo những con phố không đầu không cuối cứ phố nối phố, ngõ rẽ ngõ, mờ mờ sáng tối dưới những ngọn đèn đường lẻ loi… ta cứ đi và đi không muốn nghỉ.

Trong ĐÊM NÚM SEN thì cái cảm giác khiến mình u mê vào những con chữ đó không còn. Thay vào đó mọi thứ trở nên sáng tỏ, rõ ràng quá khiến cho những cảm xúc trở nên lạnh lùng, vô cảm.

Thật sự không thích phần tranh minh họa cho đến cách cuốn sách được xuất bản, mọi thứ cứ như đang bị đánh bóng một cách nhức mắt.

Cũng không thích cách TRẦN DẦN kể mọi thứ gần như không còn tính ẩn dụ trong đó mà chỉ là một cái nghĩa đen-nghĩa bóng mà độc giả quá dễ nhìn thấy.

Nhưng, nếu không có tranh minh hoạ, nếu không biểu lộ mọi thứ một cách trực diện, nếu không vậy, chắc gì nó đã hay.

ĐÊM NÚM ĐEN có thể sẽ là một CHUYỆN Ở NÔNG TRẠI nếu không sử dụng những “danh từ xác định”, mà chính nó làm cho câu truyện trở nên quá sáng tỏ. Một tác phẩm văn học cần được gợi lên trong mắt độc giả một góc tối để soi vào.

Dầu sao có đoạn kết để hoài niệm lại cái cảm giác khi đọc NHỮNG NGÃ TƯ VÀ NHỮNG CỘT ĐÈN.

#Hanhfm

#ĐÊM_NÚM_SEN
#TRANDAN

#NHỮNG_NGÃ_TƯ_VÀ_NHỮNG_CỘT_ĐÈN.

Filed Under: Khác Tagged With: Có cần kể nữa không, ĐÊM NÚM SEN, Trần Dần

  • « Previous Page
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • …
  • 7
  • Next Page »